Phóng viên:
- Đà Nẵng đang ôm giấc mộng trở thành thành phố không ngủ về đêm để phát triển du lịch. Ông đánh giá thế nào về ý tưởng này?
Ông Dương Phú Nam:
- Năm 2019 Việt Nam đã lọt top 10 thế giới về tốc độ tăng trưởng du lịch trên toàn cầu. Là một trong mười quốc có tốc độ tăng trưởng và phát triển du lịch nhanh nhất thế giới, điều này rõ ràng là đáng mừng. Nhưng để cẩn trọng hơn, chúng ta không ngủ quên trên chiến thắng. Chúng ta cần thực sự cân nhắc liệu tăng trưởng này đã tốt chưa? Về lượng đã tốt rồi, nhưng về chất thì sao?
Đánh giá tổng kết của World Bank năm 2019 cho thấy Việt Nam nên phát triển hệ sinh thái du lịch bền vững, trong đó có kinh tế đêm. Một điều chúng ta thực sự cần quan tâm đến, đó là năm 2011, chi tiêu bình quân của du khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức là 106 USD, nhưng cho đến nay, con số đó lại lùi xuống mốc 96 USD. Điều ai cũng vui mừng khôn xiết là nhà nhà có việc làm do lượng khách du lịch tăng lên. Khách quốc tế tăng lên trên 18 triệu lượt khách và khách nội địa trên 85 triệu, đó là những con số biết nói và cực kỳ đáng vui mừng. Nhưng tại sao chúng ta lại không thể tăng được về chất, trong khi so sánh với các nước lân cận thì họ gấp đôi chúng ta về chất?
Chi tiêu của du khách khi đến Thái Lan là 163 USD và ở Bangkok hay Phuket đã đạt hơn 200 USD, Singapore là 272 USD. Đấy là điều chúng ta trăn trở, đó là việc phát triển du lịch phải đi đôi giữa lượng và chất.
Novotel Danang Han River
Tốc độ tăng trưởng như vậy nhưng chúng ta chưa nên vui mừng. Theo khảo sát của Global Destination Cities Index 2019 by Mastercard thì Bangkok hiện đang đứng số 1 trong top 20 thành phố hấp dẫn du khách nhất thế giới, và đương nhiên họ cũng là một trong những thành phố đứng thứ 3 trên thế giới về thu hút chi tiêu bình quân của du khách. Trong 20 top thành phố trên thế giới này có 10 thành phố thuộc châu Á và 6 thành phố thuộc Asean. Trong 6 thành phố thuộc Asean thì có 3 thành phố thuộc Thái Lan.
- TS Trần Đình Thiên có nói Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu mô hình kinh tế đêm và đặt mô hình là Trung Quốc. Nhưng tôi muốn hỏi liệu mô hình Trung Quốc đã thực sự phù hợp hay chưa?
Đêm Đà Nẵng
- Xét về hạ tầng, về số dân và điều kiện làm kinh tế đêm, Trung Quốc khác hẳn với Việt Nam, có chăng là sự tương đồng về mặt văn hóa. Tôi nghĩ chúng ta cần thực sự nhìn ngay cạnh hàng xóm là Thái Lan và Malaysia. Căn cứ vào thống kê đầu dân số đang đón khách du lịch, Thái Lan là 1,8 dân đón 1 khách du lịch, đây là yếu tố chúng ta cần cân nhắc về hiệu quả quảng bá.
Thứ hai là Singapore, một đất nước rất nhỏ nhưng 1 dân đón 3 khách, Malaysia là 1:1, có hơn 20 triệu dân thì đón 30 triệu khách du lịch. Trong khi chúng ta 5 người dân thì đón 1 khách du lịch. Đó là những con số chúng ta cần suy nghĩ, giữa cách chúng ta truyền thông quảng bá và hiệu quả về mặt đón khách dựa trên tỉ lệ người dân cũng như số tiền trung bình. Chúng ta có đang thực sự khai thác được mỏ vàng này không?
- Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế đêm là mỏ vàng mà chúng ta đang lãng phí, ông nghĩa sao?
- Ở đâu có cầu thì ở đó có cung, nhưng nếu xét bình diện trên toàn quốc gia, chúng ta chưa làm được việc này. Cầu thì rất lớn, nhưng đến tối là ta bắt khách đi ngủ, đó là một sự lãng phí. Không có cung thì cầu chắc chắn sẽ đi. Cầu sẽ ra đi tìm một điểm đến nào đó mà rõ ràng chúng ta có thể thấy Thái Lan đón khoảng 40 triệu khách du lịch, 70% trong số này quay lại. Chắc chắn ở đây có sự góp phần rất lớn của kinh tế đêm.
Việt Nam có 18 triệu khách nhưng câu hỏi đặt ra là bao nhiêu khách quay lại? Con số chưa có câu trả lời vì Tổng cục du lịch đưa ra con số tăng trưởng là 10-40% nhưng nó không rõ ràng. Trong khi Tổng cục thống kê lại đưa ra con số sụt giảm.
Nếu chúng ta chưa có dữ liệu đầu vào nghiên cứu thật sâu sắc và rõ ràng cho câu hỏi đó thì bao giờ chúng ta có thể phát triển kinh tế đêm, hay để khách quay lại. Đến một nước nào đó như Thái Lan hay Malaysia, họ là top 20 thế giới nhưng cũng chỉ tăng trưởng 3,8 đến 4%. Rồi chúng ta cũng sẽ không bao giờ duy trì được mức tăng trưởng 18 % hay 20% nữa, và nếu so với hàng xóm Thái Lan dừng lại không tăng trưởng thì chúng ta cần mất tới 4 năm nữa để theo đuổi được họ.
Mô hình của Thái Lan và Malaysia đều thành công. Rõ ràng loại hình sản phẩm của Malaysia không phải sex, ở Thái Lan mô hình sản phẩm là 3S trong đó có sex, nhưng Malaysia không có và họ vẫn phát triển được 1-1, tăng trưởng rất tốt. Đấy là cái chúng ta cần cân nhắc về câu chuyện cung cầu.
Thêm một điều nữa về cung cầu, khách đi chơi có nhu cầu tiêu tiền rất lớn. Đến đâu họ phải tiêu hết tiền mang đi.
- Theo chỉ số nghiên cứu thì khách du lịch chi tiêu 30% ban ngày, nhưng ban đêm thì chi tới 70%, phải chăng là chúng ta đang mất doanh thu 70% doanh thu, thưa ông?
- Chúng tôi luôn dặn dò nhau, đưa ra định hướng làm kinh tế là phải thâm canh. Chúng ta có một lượng khách rất lớn như vậy nhưng nếu chúng ta không thâm canh lượng khách này thì họ không tiêu tiền, buổi tối họ không tiêu tiền. Ở các nước họ kiếm 100 USD/ 1 khách rất đơn giản, rất dễ, vào tiệm massage đã mất tiền. Chúng ta phải để ý đến câu chuyện thâm canh, giống như việc chúng ta thuê mặt bằng để kinh doanh 1 món rất đắt tiền nhưng ta chỉ bán ăn sáng thôi còn trưa tối ta bỏ ngỏ.
Tôi cũng muốn nói đến câu chuyện hiện trạng. Tất cả chúng ta đều chưa làm được, mới chỉ là câu chuyện bắt đầu. Nếu chúng ta làm được thì bốn yếu tố được hưởng lợi. Đầu tiên là nhân dân. Một trong các giải pháp chúng ta nói cần tuyên truyền, để dân hiểu. Đúng là chúng ta cần làm cho dân hiểu là yếu tố hưởng lợi đầu tiên là nhân dân. Thứ hai mới là doanh nghiệp. Thứ ba là nhà nước. Thứ tư là khách hàng.
Bốn chủ thể này của nền kinh tế nếu chúng ta làm tốt, sẽ có mối quan hệ cực kỳ bền vững. Khách hàng hài lòng thì tiêu tiền nhiều hơn, tiêu tiền nhiều hơn thì nhân dân được hưởng, doanh nghiệp được hưởng khi mở các mô hình này ra hút khách. Khi ta làm kinh tế minh bạch thì nhà nước thu thuế. Rõ ràng khi ta làm tốt câu chuyện này thì bốn chủ thể đều được lợi.
-Tôi có một tò mò là Công viên Châu Á – Asia Park đang bán vé thì Sun World lại quyết định mở cửa để dân đi vào miễn phí? Với việc miễn phí như vậy thì lợi nhuận ở đâu để có thể trang trải việc vận hành?
- Chúng tôi đặt vấn đề lợi ích của người dân lên đầu tiên. Rõ ràng chúng ta có nhu cầu, người dân có nhu cầu. Họ có nhu cầu chính đáng tìm được những địa điểm vui chơi xứng tầm, được đầu tư đẳng cấp, chất lượng với các trò chơi được nhập tiêu chuẩn cao từ thế giới đến Việt Nam. Bấy lâu nay Công viên Châu Á – Asia Park hoạt động giống như mô hình các công viên trên thế giới là bán vé. Tuy nhiên với mong muốn là để du lịch Đà Nẵng phát triển hơn nữa, tạo ra hệ sinh thái phát triển hơn nữa và cho người dân cũng như cho khách du lịch đến với Đà Nẵng thì Tập đoàn Sun Group cũng như Sun World đã quyết định chuyển đổi mô hình.
Đúng là khi chuyển đổi mô hình này thì các lãnh đạo của Tập đoàn Sun Group cũng như Sun World đã tranh cãi rất lớn về câu chuyện là vậy thì lợi nhuận ở đâu để chúng ta có thể trang trải câu chuyện vận hành ra sao?. Cân bằng thế nào giữa chi phí và lợi nhuận. Đây cũng là một cuộc tranh cãi rất nảy lửa trong nội bộ tập đoàn.
Sau đấy, với tinh thần, triết lý kinh doanh của tập đoàn là sự hài hòa giữa mục tiêu doanh nghiệp đặt ra và lợi ích của người dân, hài hòa chung nữa là làm sao biến Đà Nẵng luôn luôn là một điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách cũng như trong lòng người dân, Tập đoàn Sun Group đã quyết định đầu tư gần 100 tỉ vào công viên Châu Á – Asia Park, biến nó thành một khu mở để thân thiện hơn, để khách có thể vào chơi một cách thoải mái để không phải lo lắng quá nhiều về câu chuyện tiền.