Hành lang Wakhan là thế giới tách biệt với phần còn lại của đất nước Afghanistan, cả về địa lý và văn hóa. Dải đất dài 350 km nằm ở phía đông bắc Afghanistan, được tạo thành từ sự nối liền của ba dãy núi lớn, bao gồm Hindu Kush, Pamirs và Karakoram. Vì địa hình hiểm trở và giao thông gặp nhiều khó khăn ở hành lang Wakhan nên không nhiều du khách biết đến sự tồn tại của vùng đất bình yên này. Tuy vậy, nhiếp ảnh gia Simon Urwin khẳng định hành lang Wakhan là một trong những nơi xa xôi và đẹp nhất ở châu Á. Ảnh: Lonely Planet.
Trong nhiều thế kỷ, hành lang Wakhan là một phần của Con đường Tơ lụa nối liền Trung Quốc và Địa Trung Hải. Vào thế kỷ 19, hành lang Wakhan đóng vai trò quan trọng trong "trò chơi vĩ đại" giữa Anh và Nga. Hai quốc gia hùng mạnh này đã tiến hành nhiều cuộc chiến nhằm giành quyền kiểm soát khu vực chiến lược như hành lang Wakhan ở Afghanistan. Ranh giới hiện tại của vùng đất này được thiết lập vào năm 1893 nhằm tạo ra vùng đệm giữa lãnh thổ của Nữ vương Anh và đế quốc Nga của Sa hoàng. Hiện nay, hành lang Wakhan đang nằm trên tuyến đường thương mại trong dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ảnh: Flickr.
Những ngôi nhà của cư dân bản địa được làm bằng vật liệu đơn giản (đá, bùn, gỗ), nằm rải rác dọc theo hành lang Wakhan và nối với nhau bằng một con đường đất. Cách thức di chuyển phổ biến của dân địa phương là đi bộ hoặc cưỡi lạc đà vì không có nhiều phương tiện công cộng, ôtô ở Wakhan. Thành thị gần nhất với hành lang Wakhan là Dushanbe, thủ đô Tajikistan, cách nơi đây khoảng 3 ngày lái xe. Sự biệt lập khiến hành lang Wakhan giống như một viên nang thời gian. Do vậy, những cư dân bản địa luôn mong cầu tương lai Wakhan có hệ thống điện, con đường trải nhựa và sóng điện thoại di động, giống như Tajikistan. Ảnh: BBC.
Hành lang Wakhan là nơi sinh sống của tộc người Wakhi trong hơn 2.500 năm qua. Trong khi phần lớn dân số Afghanistan theo Islam giáo dòng Sunni, thì 12.000 người Wakhi thuộc Ismailis, một nhánh của Islam Shia. Tại đây không có nhà thờ Islam, thay vào đó người Wakhi sẽ hành lễ ở các nhà nguyện jamatkhanas. Người phụ nữ ở Wakhan không bắt buộc mặc Burqa (loại áo dài che mặt người phụ nữ Afghanistan) nên có thể chụp ảnh với nam du khách phương Tây, hành động sẽ gây phản cảm ở những vùng đất khác trên lãnh thổ Afghanistan. Ảnh: Travelistly. |
Thu nhập chủ yếu của người Wakhi từ những cánh đồng trồng lúa mì, lúa mạch, đậu Hà Lan, khoai tây, táo... Trong điều kiện khô cằn của hành lang Wakhan, người nông dân nơi đây sử dụng nguồn nước chảy từ các sông băng trên núi để tưới tiêu. Vào tháng 6, các gia đình khá giả sẽ đưa đàn gia súc, bao gồm cừu, dê, lạc đà, ngựa và bò Tây Tạng đến đồng cỏ ở độ cao 4.500 m. Người dân ở Wakhan thường tổ chức lễ hội để kỷ niệm ngày bắt đầu thu hoạch lúa mạch vào đầu tháng 8, gọi là Chinir. Ảnh: Jason P.Howe.
Buzkhasi là một trong những trò chơi truyền thống được yêu thích nhất ở hành lang Wakhan. Trò chơi được gọi là bóng bầu dục trên lưng ngựa và sử dụng một con dê thay thế cho quả bóng. Trong buzkhasi không có quy tắc, không có đội nhóm, cũng không có khái niệm "fair play" vì những người tham gia sẽ dùng mọi cách thức để cướp dê. Ở những vùng đất khác của Afghanistan, buzkhasi thường mang tính chính trị để tầng lớp thượng lưu giành được phiếu bầu, nhưng tại hành lang Wakhan đây chỉ là trò chơi mang tính cộng đồng. Ảnh: Mutually.
Tuyến cao tốc thuộc dự án Vành đai và Con đường đang được xây dựng nhằm kết nối khu vực biên giới Trung Quốc với hành lang Wakhan. Công trình này giúp người Wakhi mua dê từ Trung Quốc với giá rẻ hơn chợ Ishkhashim, đồng thời cư dân bản địa có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tuy vậy, những tuyến cao tốc này khiến nhiều người dân lo lắng sẽ làm nền văn hóa Wakhi độc đáo và lối sống chậm biến mất mãi mãi. Ngoài ra, hệ lụy từ ô nhiễm môi trường giao thông có thể tác động tiêu cực đến sự tĩnh lặng và phong cảnh thiên nhiên ở hành lang Wakhan. Ảnh: euronews. |