Một vài người bạn của tôi đã tạm "cách ly" mạng xã hội vì không muốn bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin trên đó. Phải công nhận, mạng xã hội mang đến cho chúng ta nhiều niềm vui nhưng cũng không ít năng lượng xấu, tiêu cực.
Đặc biệt trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, tâm trạng mỗi người ngổn ngang lo lắng lại gặp phải những thông tin "có độc" thì không còn sức chống đỡ. Để tránh cho bản thân cảm xúc tiêu cực và lan tỏa điều tích cực đến người khác thì việc chọn lọc thông tin tiếp nhận rất quan trọng.
Chắc hẳn sẽ có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề Đăng gì trên Facebook bây giờ vì trang Facebook cá nhân được hiểu ngôi nhà riêng, đăng tải hay chia sẻ thông tin gì là quyền của mỗi người, sao lại phải bàn cãi. Có người cho rằng, nếu như không phải thông tin giả, vi phạm pháp luật thì chẳng có ai có quyền phán xét nội dung trên Facebook của người khác.
Tôi chọn cách lan tỏa năng lượng tích cực qua Facebook, hạn chế chia sẻ thông tin tiêu cực. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, trên thực tế, việc bạn đăng gì trên Facebook không chỉ tác động đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến người khác theo nhiều cách khác nhau.
Một cô đồng nghiệp của tôi nấu ăn rất ngon và thích bày biện. Trong thời gian giãn cách xã hội, cô ở nhà nấu ăn, chụp ảnh rồi chia sẻ lên Facebook. Mục đích của cô cũng chỉ muốn lan tỏa niềm đam mê, gợi ý thực đơn món ăn cho các bà nội trợ. Tuy nhiên bên cạnh những bình luận tích cực động viên khen ngợi thì có không ít ý kiến tiêu cực, trách cô vô cảm vì giữa lúc nhiều người thiếu thốn thực phẩm, đến cọng hành còn không mua được mà cô còn khoe cả rổ rau tươi xanh, bàn ăn đầy ắp món ngon.
Sau vài lần như thế, cô quyết định không chia sẻ công thức nấu ăn lên Facebook nữa khiến nhiều người hụt hẫng vì hàng ngày vẫn đợi để xem có món gì mới để thực hành. Cô tâm sự, muốn lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người, nhưng phải nhận về cảm xúc tiêu cực cho bản thân nên đành từ bỏ.
Từ đó, cô ít chia sẻ thông tin lên Facebook. Rõ ràng để làm điều tốt theo suy nghĩ của mình không phải dễ vì có quá nhiều quan điểm trái ngược ở xung quanh.
Nhưng không phải ai cũng chọn cách rút lui an toàn như cô đồng nghiệp của tôi, nhiều người chọn cách lan tỏa điều tích cực bằng những bài chia sẻ trên Facebook dù có ý kiến trái chiều. Có người chọn mỗi ngày kể một câu chuyện vui về gia đình mình với chất liệu chủ yếu là những mẫu đối thoại hàng ngày của bố mẹ và con cái kèm hình ảnh minh họa.
Họ vẫn post bài đều đặn mặc dù không ít bình luận châm chọc kiểu: "Nhạt quá!", "Chuyện đó có gì mà kể", "Rảnh quá mà"... Riêng tôi luôn thích đọc những bài viết như thế vì có thể cười thoải mái và thấy hình ảnh gia đình mình trong đó.
Trên thực tế, việc bạn đăng gì trên Facebook không chỉ tác động đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến người khác theo nhiều cách khác nhau nên cân nhắc nội dung là điều cần thiết. Ảnh minh họa
Có người chọn chia sẻ những câu chuyện buồn về dịch bệnh với mong muốn mọi người thấy sẽ sợ mà thực hiện nghiêm cách quy định chống dịch. Nhưng tôi nghĩ, mỗi ngày mới thức dậy, đập vào mắt là những bài chia sẻ như thế thì không ai chịu nổi.
Tôi chọn cách bỏ theo dõi những trang tiêu cực. Tôi nghĩ, những thông tin về công tác phòng chống dịch như số người khỏi bệnh, câu chuyện chiến thắng dịch bệnh của những F0... sẽ tạo niềm tin tưởng, tinh thần tích cực, thay vì chán nản, bi quan.
Chúng ta không thể định hướng theo ý muốn những nội dung bạn bè đăng tải trên Facebook nhưng hoàn toàn có thể chọn lọc thông tin. Còn tôi, khi gặp những bài chia sẻ không phù hợp với bản thân trên Facebook, tôi chọn "cách ly" ngay: bỏ qua không đọc là xong, hơi đâu mà nhào vô tranh luận cho mệt người!