Cộng đồng người Hoa đã gắn bó với Việt Nam mấy trăm năm, và họ mặc nhiên thưởng thức cả nghệ thuật cải lương của người Việt. Cho nên đêm giao lưu nghệ thuật "Cải lương tuồng cổ Việt Nam và Triều kịch Quảng Đông Trung Quốc", do Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và công ty cổ phần Green Horizon tài trợ, diễn ra tại Hội quán Nghĩa An (Q.5), đã thu hút đông đảo công chúng mộ điệu. Khán giả người Việt lẫn người Hoa đến kín cả sân khấu. Mấy trăm ghế ngồi không còn một chỗ trống, còn lại mấy trăm người đứng chờ suất sau.
Bởi Triều kịch là một trong mười loại hình sân khấu nổi tiếng của Trung Quốc, và bản thân đoàn này đã từng đi biểu diễn nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông… Và họ đã gặp gỡ cải lương tuồng cổ ở những sự tương đồng và khác biệt. Buổi diễn thành công ngoài mong đợi đến mức, ban tổ chức phải thêm suất diễn để phục vụ công chúng.
Hội quán Nghĩa An còn gọi là Chùa Ông, là nơi chiêm bái và sinh hoạt văn hoá của cộng đồng người Hoa vùng Sài Gòn Chợ Lớn, có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ 19, được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia. Trước đây, còn có một đoàn Ca kịch Thống nhất Quảng Triều thường xuyên biểu diễn tại Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh.
Hai nghệ sĩ "lão tướng" Bạch Long, Thanh Sơn đã trình làng một dòng họ Minh Tơ hùng hậu. Bạch Long đã tóm tắt ngắn gọn lịch sử hình thành cải lương tuồng cổ từ thập niên 60, kết hợp giữa hát bội-cải lương-nhạc Quảng.
Khi phim Đài Loan, Hồng Kông làm mưa làm gió tại Sài Gòn, gây khó khăn cho cải lương, thì nhạc sĩ Đức Phú của Minh Tơ đã thu âm lại các bài nhạc Quảng trong phim và viết lại trên cơ sở âm nhạc Việt Nam, trở thành những bài bản trong cải lương tuồng cổ. NSƯT Tú Sương và nghệ sĩ Trinh Trinh đã hát thử cho khán giả nghe hai loại nhạc ấy, và rõ ràng thấy sự khác biệt. Cải lương tuồng cổ đúng là "đặc sản" của người Việt, là niềm tự hào của dòng họ Minh Tơ.
NSƯT Tú Sương và Trinh Trinh trong trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hoá cáo
Và trích đoạn Triệu Tử Long đoạt ấu chúa, Hồ Nguyệt Cô hoá cáo, Quan Công hiển thánh đã chinh phục khán giả. Công bằng mà nói, phần ca của các nghệ sĩ tuồng cổ không ngọt lịm như dân cải lương truyền thống, nhưng bù lại vũ đạo và tạo hình sân khấu rất đẹp. Vũ đạo cũng thừa kế nhiều trình thức của hát bội nhưng cộng thêm nét mềm mại của cải lương, cho nên rất hấp dẫn.
Nghệ sĩ Thanh Sơn diễn quá hay trong vai Quan Công, tinh tế trong từng chi tiết tâm lý, từ lúc oai dũng ra trận, cho đến lúc thua trận phải lui về cố thủ, rồi tháo chạy, rồi nghe tin con chết, đau đớn tâm can, rồi sa cơ bị giết… Bao nhiêu là tâm lý và cảm xúc, Thanh Sơn chứng tỏ gừng càng già càng cay với sức lực U70. Ông là một trong những cây cổ thụ còn sót lại của Minh Tơ.
Trong lúc đó, Trinh Trinh, Tú Sương và các nghệ sĩ trẻ khác là những cây non đã và đang trưởng thành tiếp nối dòng tộc. Trinh Trinh-Tú Sương xuất sắc trong lớp diễn Hồ Nguyệt Cô bị Tiết Giao lừa tình lấy mất viên ngọc phải trở về lốt thú. Hồ Nguyệt Cô phải đau đớn ói cho ra viên ngọc tu luyện ngàn năm mới có, vừa vật vã, vừa kiệt sức, vừa tận tuỵ, yêu thương… Xem nghệ sĩ diễn kỹ lưỡng từng điệu bộ, từng chi tiết trên cơ thể và nét mặt, mới thấy "đã" làm sao. Phải tập luyện như vậy, chứ tuồng cổ đâu chỉ có múa may như một số người định kiến.
Trích đoạn Chiêu thân của đoàn Triều kịch Quảng Đông
Ngược lại, các nghệ sĩ của đoàn Triều kịch Quảng Đông thì nghiêng về phần ca hơn phần diễn. Ấn tượng rất mạnh về cô đào trong trích đoạn Chiêu thân, đóng vai Mộc Quế Anh đang tỏ tình với Dương Tông Bảo. Nét mặt xinh như hoa, trong trẻo hồn nhiên như mối tình đầu, và giọng ca thì quá đẹp, uốn lượn như một dòng suối, khán giả cứ xuýt xoa.
Chất trữ tình, tự sự trong Triều kịch rất gần với cải lương truyền thống Việt Nam. Ngay cả động tác cũng nhẹ nhàng, uyển chuyển, không nhiều vũ đạo. Bài bản dịu dàng, êm ái, nghe thật dễ chịu. Trích đoạn Ái ca trong Xuân Hương truyện cũng là một tác phẩm kinh điển, tình cờ cũng có chung kiểu diễn viên nữ giả trai như đôi nghệ sĩ Tú Sương-Trinh Trinh, khiến khán giả có dịp so sánh thú vị. Thì ra, nghệ thuật truyền thống nước nào cũng tồn tại từ lâu cách đào giả kép, xem không hề phản cảm. Phùng Há, Ngọc Giàu từng là những nghệ sĩ gạo cội đóng vai kép rất hay.