Nếu như trước kia, các loại hình quảng cáo chủ yếu là trên giấy, trên tivi, các panô công cộng thì thế kỉ 21 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hình thức quảng cáo trực tuyến, đi đầu là Google. Những năm gần đây xuất hiện thêm một hình thức quảng cáo mới: mạng xã hội. Theo thống kê, trung bình mỗi tháng người dùng bỏ ra hơn 10 tỉ tiếng trên Facebook, và đây chính là nguồn khách hàng dồi dào cho các nhà quảng cáo.
Các hình thức tiếp thị trực tuyến không chỉ bao gồm đặt bảng quảng cáo, mà còn xuất hiện dưới dạng quan hệ với người dùng. Nếu như trước đây, yêu cầu tối thiểu của mỗi công ty là phải có blog thường xuyên cập nhật, thì giờ đây điều đó được đổi thành "Fan page" (Trang hâm mộ) trên Facebook. Trang hâm mộ là nơi người dùng quan tâm đến công ty theo dõi thông điệp do công ty đó phát ra, phát tán cho bạn bè và cũng là nơi những người hâm mộ trao đổi với nhau.
Bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt. Biết Google xếp hạng kết quả tìm kiếm theo Page Rank, lập tức có hàng loạt phương thức SEO "xấu" với mục đích duy nhất là đạt thứ hạng cao, bất chấp nội dung trang web. Hình thức SEO "xấu" này đã bị Google trừng phạt cách đây không lâu.
Các cách thức quảng bá trên Trang
Vì sao có những phản ứng như vậy? Hãy cùng tìm hiểu một vài cách thức thu hút người hâm mộ, hoặc đơn giản là quảng bá nội dung đến nhiều người dùng nhất.
Cách đơn giản nhất mà bất cứ ai cũng làm được, và cũng là cách gây khó chịu nhất, đó là "tag". Người quản trị Trang đưa lên một tấm ảnh và "tag" tất cả người hâm mộ vào trong ảnh đó. Điều này sẽ giúp cho tấm ảnh không chỉ xuất hiện ở Tường của người hâm mộ, mà còn xuất hiện ở Tường của tất cả bạn bè của họ - tức là mức độ phát tán tăng gấp hàng trăm lần. Do đó, đây cũng là cách gây phiền phức nhất, và thường chỉ có các Trang nhỏ sử dụng.
Các trang lớn hơn thường nhờ vào dịch vụ của bên thứ ba, với cái giá khoảng 1000 đồng/người hâm mộ. Tất nhiên, cách thức thu hút người hâm mộ là bí mật của những dịch vụ này, nhưng có vài cách cơ bản sau:
* Dùng ứng dụng để "nhử". Các dịch vụ này tạo ra những ứng dụng đơn giản nhưng hấp dẫn, như xem bói, trắc nghiệm... và họ có thể truy cập vào tài khoản những người sử dụng ứng dụng này. Từ đó, các ứng dụng này có thể liên hệ với bạn bè người dùng đó, hoặc viết lên Tường người dùng đó để thu hút người hâm mộ.
* Tạo những Trang riêng để thu hút người hâm mộ, dùng nó làm kênh truyền thông cho các Trang khác.
Câu trả lời ngắn gọn là: Có. Trừ một số ít trường hợp thu hút người hâm mộ bằng cách đặt hộp "Like" trong trang web, hoặc bằng cách giới thiệu với từng người bạn, thì đa số các cách còn lại đều vi phạm quy định của Facebook.
Một trong những Trang về Mai Phương Thuý. Ảnh chụp màn hình.
Hậu quả thế nào?
Facebook vẫn đang tìm cách "len chân" vào Việt Nam, nên hiện tại mọi liên lạc với mạng xã hội này đều rất khó khăn và thường không có phản hồi. Do đó, trong thời điểm này khó có những trao đổi hai chiều với Facebook.
Người trong cuộc lên tiếng
Thành viên của một dịch vụ tạo fan cho biết trong một phản hồi: "Mục đích của social marketing là xây dựng các chương trình, event trên Facebook để thu hút người tham gia."
Điều này hoàn toàn chính xác. Và công việc "social marketing" (tiếp thị xã hội) là công việc kinh doanh, nó là một cuộc chiến không khoan nhượng, tất cả vì lợi nhuận. Tuy nhiên, khi vấp phải sự phản ứng của người dùng, thì lợi nhuận không thể đặt lên trên được nữa.
Khi nhận ra một số cách làm việc không minh bạch của một dịch vụ tiếp thị trực tuyến (như giả nút "Like" của Facebook), khá nhiều thành viên trong cộng đồng đã tẩy chay dịch vụ này. Một thành viên cho biết, việc lôi kéo "quá trớn" không những làm cho chất lượng nội dung trên Facebook giảm đi, mà còn gây bực bội cho người dùng và có thể dẫn tới khả năng lừa đảo (phishing).
Người viết bài này xin kết thúc bằng tuyên bố của Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, về việc bỏ qua nguyên tắc "tất cả vì lợi nhuận" trong kinh doanh: "Tôi nghĩ chúng tôi có thể kiếm nhiều hơn nữa. [...] Chúng tôi có thể kiếm nhiều tiền hơn nhờ quảng cáo. Nhưng chúng tôi không làm như vậy. Chúng tôi chỉ kiếm đủ tiền."