Một tối Sài Gòn trở lạnh, lười biếng ra đường, tôi và cô bạn thân rủ nhau mướn đĩa phim về nhà xem. Áo lụa Hà Đông được chúng tôi chọn vì bàn dân thiên hạ đã xem và khen nức nở cả năm nay rồi, không xem thì lạc hậu. Phim hay, gây được cảm xúc. Tuy nhiên, khi bộ phim chấm dứt, điều khiến cô bạn tôi trăn trở không phải là tấm gương chịu thương, chịu khó của người phụ nữ như thông điệp mà những người thực hiện bộ phim muốn chuyển tải. Cô nàng tiếc ngẩn ngơ cái áo dài cưới của Dần, nhân vật chính trong phim.
Phía sau “công nghiệp lễ cưới”
Xúc cảm bộ phim mang lại khiến nhỏ bạn tôi trút nỗi lòng. Mấy ngày này xúng xính bắt tay vào chuẩn bị đám cưới, bạn tôi cùng chồng tương lai chuyện gì cũng thống nhất, duy chỉ có chuyện áo cưới là tính hoài không xong.
Số là, dịch vụ chụp ảnh cưới, trang điểm cô dâu mà hai đứa chọn bao thầu từ A đến Z chuyện làm đẹp cho tân nương. Gói dịch vụ trị giá hơn 15 triệu đồng ấy bao gồm luôn cả việc thuê áo cưới, áo dài... trong ngày lễ gia tiên, làm lễ trong thánh đường và cả đãi đằng khách khứa ở nhà hàng. Chú rể tương lai hài lòng với dịch vụ này còn bạn tôi thì không. Cô nàng muốn có một chiếc áo dài cưới long phụng riêng của mình. Mà chi phí cho sở thích của nàng lên đến 8 triệu đồng (bạn tôi vốn là một “tín đồ” của thời trang hàng hiệu). Thời buổi khó khăn, con số khiến tôi còn choáng váng thì chồng tương lai của cô nàng lắc đầu cũng là chuyện dễ hiểu. Nhỏ ấm ức: “Đời người, cưới xin một lần, muốn giữ lại để làm kỷ niệm mà cũng không được thì... khỏi cưới”. Rồi nó đưa ra lý do: “Mở tủ áo, thấy chiếc áo mình mặc ngày quan trọng nhất đời mình, sống lại với những cảm xúc đó, cũng nguôi ngoai những lo toan cơm áo hằng ngày chứ”. Chí phải! Với con bé giàu tình cảm như bạn tôi, chuyện níu giữ ký ức thiêng liêng của ngày cưới là chuyện tất nhiên phải làm rồi.
Những tưởng, 8 triệu đồng đã là giá “đỉnh” của áo dài cưới nhưng té ra, nó mới chỉ thuộc hạng “trung cao”. Tìm hiểu lòng vòng, mới biết, có đám cưới, cô dâu chú rể chấp nhận trả đến hơn 10 triệu đồng để sở hữu chiếc áo chỉ mặc được một lần ấy. “Tệ nhất, một bộ áo dài cưới đẹp cũng đã xấp xỉ 2 triệu đồng rồi”- chị Hải Yến, chủ tiệm may áo dài trên đường Tô Hiến Thành, Q.10 - TPHCM, cho biết. Tính đi tính lại, ngoài chi phí trả cho dịch vụ trọn gói, dao động từ 5 đến 20 triệu đồng, khoản đội thêm dành cho áo cưới kể cũng hơi hao.
Của để dành
Thấy người “vào tròng” háo hức giữ áo cưới đến như vậy, tôi đến gặp T.Lê, biên tập viên của một chương trình truyền hình, người đang sở hữu chiếc xoa rê hoành tráng tại nhà. May mắn hơn các cô dâu khác, Lê được mẹ chồng tặng hẳn một bộ áo cưới làm kỷ niệm với tâm nguyện: “Giữ chiếc áo cưới để sau này còn có cái mà khoe với con cháu”. Hai năm sau ngày cưới, nghe hỏi chuyện, Lê thú nhận: “Thiệt tình là giữ áo cưới vui chưa thấy mà phiền thì đã gặp nhiều”. Rồi Lê kể, chiếc xoa rê với cái đuôi dài, sang trọng ấy chiếm diện tích hơn 1/4 tủ quần áo vốn nhỏ của hai vợ chồng, mỗi khi xếp cất quần áo, rất bất tiện. Công việc cơ quan, việc nhà vốn đã ngập đầu nhưng áo cưới thì màu trắng, để chừng hai tháng đã thấy ngả màu, lại phải dành thời gian đem ta tiệm hấp, rồi lấy về... cất tiếp. “Có những lúc khó khăn về tài chính, thấy chiếc áo trị giá mấy triệu đồng nằm im trong tủ, cũng thấy hơi... ấm ức. Cứ ước giá như có số tiền ấy để xoay xở”- Lê chia sẻ. Tuy nhiên, sau một hồi ca cẩm về chuyện phiền phức của việc giữ áo cưới, cô cũng không phủ nhận: “Cũng có lúc giận nhau, vợ chồng không thèm nhìn mặt nhưng khi thấy chiếc áo cưới, tự dưng lại... nhớ nhớ chồng, lại cùng nhau đàm phán để xây dựng cuộc sống tốt hơn”.
Thái độ của Lê khiến tôi nhớ đến một cặp vợ chồng trung niên, tham dự đám cưới hoa tại Festival Hoa Đà Lạt 2007. Yêu nhau khi cả hai gia đình đều khó khăn nên chị đành chấp nhận theo chồng, không cau trầu, cưới hỏi. Hơn hai mươi năm sống cùng nhau, anh chị vẫn canh cánh trong lòng khát khao một đám cưới. Anh chị cho biết: “Chúng tôi ước ao có được chiếc áo cưới của mình để nhìn ngắm thôi cũng thỏa”. Khát khao của đôi vợ chồng không còn trẻ này đơn giản thế nhưng phải mất hơn 20 năm họ mới đạt được. Thế mới thấy vật kỷ niệm ngày cưới có giá trị tinh thần lớn đến thế nào.
Chia sẻ vấn đề này, chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai cũng đồng tình: “Giữ lại chiếc áo cưới ngoài tính chất kỷ niệm, còn là vật người mẹ nhắc nhở con gái mình giữ gìn phẩm hạnh và gợi cho con ước mơ về một gia đình hạnh phúc sau này”. Tuy nhiên, cũng phải biết liệu cơm gắp mắm, chứ như thu nhập công chức của bạn tôi, bỏ ra cả hai tháng lương cho một chiếc áo cưới thì có nguy cơ cưới xong là nợ.