Đang nghĩ ngợi bâng quơ, tôi bỗng giật mình khi thấy cửa nhà xịch mở. Hai cái bóng hiện ra trước cửa. Tôi nhận ra cô con gái đầu lòng của mình; người còn lại là bé Hạ, con của Quỳnh Như. Con bé sang đây làm gì nhỉ? Tôi tự hỏi mà không tìm được câu trả lời. Rồi bé Hạ phóng xe đạp đi. Tôi vội vàng xoay lưng lại để nó không nhận ra mình.
Cánh cửa nhỏ đã khép lại. Đèn trước nhà cũng tắt. Gần 10 giờ đêm. Thường thì giờ này Quang sắp về. Anh làm ca chiều cố định từ 14 giờ đến 22 giờ. Tôi đã quen với thời gian biểu ấy của anh từ khi chưa cưới. Ngày đó, tôi rất thích chờ anh mỗi tối. Thế nhưng cưới nhau được vài năm thì sự thích thú trở thành phiền toái…
Khi bé Phương lên sáu, nó thay mẹ chờ cửa ba. Có một lần anh về trễ. Gần 12 giờ đêm nhưng con bé vẫn thức chờ. Sáng dậy tôi mới biết, đêm qua anh cũng về như mọi khi nhưng dọc đường gặp người bị tai nạn nên giúp đứa vô bệnh viện. Vì vậy mà anh về trễ.
Khoảng nửa tháng sau, có người mang đến nhà một giỏ trái cây, bảo rằng, có một khách hàng nhờ mang đến. Bên trong giỏ có một chiếc thiệp cám ơn và một tấm danh thiếp. Anh nhìn tấm thiệp chăm chú rồi bảo: “Hôm trước anh về muộn là vì người này đây. Cô ấy bị giật túi xách té xuống đường. Anh đã đưa cô ấy vào bệnh viện”. Tôi nhìn dòng chữ ghi trên danh thiếp. Tên người trong danh thiếp là Phan Lê Quỳnh Như, làm việc tại một công ty lớn có trụ sở tại TPHCM. Tôi gọi vào số điện thoại trong danh thiếp để cảm ơn về giỏ quà.
Chuyện tưởng chỉ có vậy. Không ngờ ít lâu sau, tôi gặp rắc rối trong việc làm ăn có liên quan đến công ty nơi Quỳnh Như làm việc. Tôi chủ động gọi điện nhờ Như giúp đỡ. Mọi việc được giải quyết ổn thỏa. “Anh cũng nên gọi điện cảm ơn người ta một tiếng”- xong việc, tôi bảo Quang. Anh ậm ờ cho qua rồi quên luôn.
Lần nọ, anh có việc phải liên hệ với một người bạn cũ. Chẳng hiểu sao, anh lại gọi nhầm số máy của Quỳnh Như. Cô gái ấy mừng quýnh, hỏi han tíu tít và nói: “Lúc tỉnh dậy ở bệnh viện, nghe cô y tá bảo, may mà anh đưa em đi cấp cứu, nếu không kịp thì em đã chết rồi. Em mang ơn anh suốt đời này, kiếp này”. Sau buổi nói chuyện ấy, Quang bảo tôi: “Chủ nhật tới Quỳnh Như sẽ đưa ông xã và mấy đứa nhỏ tới chơi, em chuẩn bị thứ gì để đãi họ”.
Buổi gặp gỡ ấy không ngờ đã khiến hai gia đình trở thành bạn bè thân thiết. Đến nỗi, mấy đứa nhỏ của hai bên đều gọi 4 người lớn là ba mẹ; thậm chí những lần Quỳnh Như đi công tác xa, chính tôi là người đưa đón, nấu nướng đồ ăn thức uống cho cha con nhà bên kia. Còn Quang với Như, họ quý nhau hơn cả ruột thịt.
Chúng tôi đã hiện diện trong cuộc sống của nhau như thế gần 10 năm. Ấy thế mà, giờ đây tôi lại ghen. Tôi có thể lấy bất cứ lý do gì để ghen tuông về mối quan hệ của anh với Quỳnh Như. Thoạt đầu Quang im lặng, nhưng sau đó anh bực bức quát lên: “Em điên à? Em thích thằng cha giám đốc của em thì cứ cuốn xéo theo nó, chẳng cần phải giả vờ ghen tuông thế đâu”.
Tôi cũng chẳng biết mình ghen thật hay chỉ giả vờ. Trong thâm tâm, tôi ghét Quỳnh Như vì đã dám xen vào chuyện của tôi với giám đốc công ty. Tôi chẳng hiểu sao thành phố đông người là vậy mà tôi cứ đụng mặt cô ta. Sau lần chạm trán thứ ba thì Như đã nói thẳng: “Chị xa thằng cha ấy ra, nếu không em không để yên đâu”. Chúng tôi gây nhau một trận nổ trời. Cuối cùng tôi ra tối hậu thư: “Anh Quang không ghen thì thôi, hà cớ gì cô lại xen vào? Hay là cô có tình ý với anh ấy thật nên muốn kiếm chuyện với tôi để tâng công? Từ nay không chị em gì nữa. Chấm hết!”.
Chuyện đến tai Quang, anh ngậm tăm khiến tôi càng lồng lộn: “Có phải đúng như vậy không? Có phải mấy người dan díu với nhau nên kiếm chuyện với tôi không? Nếu không phải, sao anh không nói đi?”. Mặt Quang đỏ lên: “Tôi không ngờ cô lại đê tiện đến như vậy. Tôi nói cho cô biết, nếu cô còn xúc phạm Quỳnh Như, tôi sẽ tống cổ cô ra khỏi nhà”.
Nhưng anh không có cơ hội để làm điều đó bởi ngôi nhà tôi đã mang thế chấp ngân hàng để vay vốn cho giám đốc công ty của tôi. Khi quá hạn trả nợ, ngôi nhà bị phát mãi. Tôi đã đắc ý khi tất cả mọi thứ diễn ra đúng theo kịch bản của mình. Người ra khỏi nhà chính là Quang.
Nhưng giữa chúng tôi không có cuộc ly hôn nào cả vì tôi không muốn Quang được tự do. “Thôi, cô muốn làm gì thì làm, chỉ cần đừng hiện diện trong cuộc sống của cha con tôi nữa”- anh mỏi mệt.
Chuyện mới xảy ra mấy tháng mà tôi có cảm giác nó dài hơn cả mười lăm năm cuộc hôn nhân của mình. Giám đốc của tôi nói: “Chồng con em mới là cuộc sống đích thực của em. Anh hay bất cứ thằng đàn ông nào khác đến với em đều không phải vì tình yêu. Anh nói thật lòng…”. Tôi nhìn ông ta, nỗi uất hận khiến tôi không nói được lời nào. Sao đến giờ này tôi mới nhận ra bộ mặt thật của gã đàn ông đã từng tâng bốc tôi lên tận mây xanh?
Chỉ mấy tháng mà cuộc sống của tôi đã có quá nhiều thay đổi. Nhưng với họ thì mọi thứ dường như chỉ xáo động đôi chút. Hai gia đình vẫn thân thiết như xưa. Nhưng giờ đây họ chỉ còn lại 3 người.
Tôi đã tách nhóm ra đi và sẽ chẳng có cơ hội nào để quay về...