Từ sau ngày cưới, anh bảo phụ nữ thường hay mua sắm chi tiêu mà không hoạch định kế hoạch cho tương lai nên vợ chồng tôi hãy cùng nhau “bỏ heo” hơn phân nửa lương để có tiền tiết kiệm mua sắm này nọ và chắc ăn hơn hết là hãy để anh giữ vì anh khá cẩn thận trong chi tiêu. Thật sự tôi là người không để ý mấy đến chuyện tiền bạc và cũng vì tin tưởng nên tôi đồng thuận với ý kiến của anh. Nhưng giờ thì tôi đang hối hận.
Là trai trưởng trong một gia đình nên anh khá gia trưởng, làm gì cũng chẳng thèm hỏi ý kiến tôi trong chuyện chi tiêu, mua sắm. Trong khi tôi muốn mua hàng hiệu để đảm bảo được chất lượng và phần dịch vụ hậu mãi thì anh chỉ muốn mua hàng rẻ để được lợi. Lợi đâu chẳng thấy mà tôi ngày càng bực mình vì cái cách chỉ thấy lợi trước mắt mà không thấy hại lâu dài. Như năm trước, anh đi mua một cái quạt máy giá rẻ để rồi mới hết hạn bảo hành được một vài ngày nó đứng im, không nhúc nhích. Đem ra thợ sửa họ bảo cháy mô tơ, cần phải quấn lại. Thế là mất một khoản tiền mà từ đó đến nay cây quạt này xoay như đi tìm gió ở chốn nào. Nói thì anh bảo hên xui, chắc gì hàng hiệu không đơ khi hết hạn bảo hành. Cãi hết hơi mà anh cũng không thèm nghe.
Rồi thì anh bảo cần phải tiết kiệm để mua nhà, còn lo cho đời con đời cháu chứ chẳng lẽ để chúng nghèo khổ như mình. Từ đó, anh không đi dự đám cưới nào cả trừ khi quá thân và anh cũng xiết tiền bạc để tôi cũng không đám tiệc gì với bạn bè cả. Sau khi tôi lơ mấy cái đám cưới trong phòng với lý do về quê, đám giỗ (nên quên cả gửi phong bì mừng!) thì những người cùng phòng cũng lạnh hẳn với tôi những dịp lễ hay tiệc vui.
Có bữa khi mời đám thôi nôi con mình, một cô bạn đồng nghệp nói thẳng: “Em tính mời chị đi dự cho vui nhưng từ hồi lấy chồng đến giờ chị bận rộn việc gia đình quá nên thôi để dịp khác em mời chị vậy”. Tôi hậm hực về kể cho chồng nghe. Anh bảo “Ôi, phú quý sinh lễ nghĩa. Vẽ chuyện. Không mời mình còn cám ơn đó chứ!”.
Những dịp lễ tết gì 2 ở bên nội ngoại anh đều kiếm cớ để cả hai vợ chồng ở nhà, nhằm giảm chi tiêu tối đa. Anh còn kể chuyện em của bạn anh làm cho một ông chủ ở quận 6, nội quy là công nhân làm việc đến 5 giờ 30 chiều thì được nghỉ nhưng ngày nào tầm khoảng gần 5 giờ 30 là ông chủ lại lên kiểm tra thành phẩm, này nọ các thứ. Công nhân cũng không dám nhúc nhích gì khi thấy chủ mình còn sừng sững đó…Đến tận 6 giờ 30 tối ông chủ mới túc tắc đi về. 10 ngày thì hết 9 ngày rưỡi diễn ra cảnh đó. Chồng tôi kết luận: “Người ta giàu mà còn muốn giàu hơn thì mình nghèo mà cố gắng dành dụm để giàu đâu có gì là xấu mà em cứ nói này nói nọ. Anh giàu cho một mình anh chắc?”. Tôi chẳng biết lão chủ bóp họng người lao động đó có hậu ra sao nhưng riêng mình thì tôi đang thấy khó thở với cách nghĩ của anh.
Để tiết kiệm, anh xin đồ cũ của mọi người về cho tôi mặc mà không cần biết gì đến sở thích, gu thời trang của tôi
Chưa hết. Bữa nọ anh đi về quê vác lên cho tôi một mớ đồ cũ của chị anh và đứa em gái họ, cách tôi 5 tuổi (để tôi chê đồ của chị anh thì còn có sự chọn lựa đồ của em gái). Cái thì quê mùa, màu tối. Cái thì bông, ren hột, lấp la lấp lánh như nghệ sĩ cải lương. Lần đó, chiều lòng anh, tôi bận một cái được nhất trong số đó về quê. Thấy tôi, đứa cháu la lên: “Ủa, sao mợ bận đồ của mẹ con vậy? Mà mợ bận xấu quắc à”. Mẹ nó la con còn tôi thì quê một cục, chẳng biết nói gì. Nói thì anh bảo nó con nít, biết gì. Con người ta quý trọng là ở cái phẩm chất. Quần áo chỉ là bề ngoài. “Người nào đánh giá em chỉ qua quần áo bên ngoài thì đó là người chẳng tốt lành gì”.
Mệt mỏi vì cứ cãi nhau cách sống quanh chuyện tiền bạc, chi tiêu, có lần suýt nữa tôi buộc miệng: “Anh nghèo nên đâm ra hèn thế à” nhưng may mà chưa nói sốc đến tận óc như tính tôi lâu nay. Nhưng thật lòng thì ngày càng chán. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Sao cứ phải thắt lưng buộc bụng cho con cháu mà mình một bữa ăn cũng không dám mời bạn bè như anh. Làm gì cũng tính từng đồng từng cắc như thế. Dẫu biết rằng tiết kiệm là đức tính tốt và do nhà anh nghèo, anh phải nuôi và lo cho một bầy em ăn học nên dần dần chuyện tính toán nó ăn vô máu khó thay đổi được. Nhưng tôi cũng sắp khô máu khi cứ phải sống với anh mà trong tương lai thì luôn phải tiết kiệm cho kế hoạch 5 năm, 10 năm của anh.
Ở tuổi 30, lấy một người chồng không ăn nhậu đàn đúm với bạn bè sau khi trải qua mấy mối tình chẳng đi đến đâu nên ai cũng mừng và đốc thúc tôi ưng anh sau 1 năm mai mối. Giờ nhìn quanh mấy đứa bạn, đứa thì bỏ chồng vì chồng bồ bịch, đứa sắp chia tay vì chồng mải nhậu nhẹt, coi vợ con như cỏ rác tôi thấy chồng mình cũng không đến nỗi tệ. Chỉ là làm sao phải cải tạo anh để anh bới rít rống chuyện tiền bạc cho 2 vợ chồng thoải mái hơn thôi. Nhưng cố mãi mà không tìm ra cách. Chẳng lẽ tôi ở tình cảnh này mãi đến già sao?