Kết quả một nghiên cứu xã hội mới đây cho thấy, chậm nhất là bảy ngày và nhanh nhất là một ngày, bức màn nhung của tuần trăng mật sẽ hạ xuống, nhường chỗ cho cuộc sống thật của hôn nhân. Xây dựng hạnh phúc gia đình là của cả hai người nhưng trọng trách gìn giữ mái ấm hôn nhân, dù chẳng ai quy định, vẫn được giao cho người vợ.
Mày râu vốn dễ lạc lòng
Buổi trò chuyện chuyên đề “Làm thế nào để chồng không chán cơm, thèm phở” diễn ra tại Nhà Văn hóa Phụ nữ (TPHCM) nhân Ngày Gia đình Việt Nam, 28-6, đã thu hút rất đông người đến tham dự. Hội trường không đủ sức chứa, nhiều chị phải đứng tham dự nhưng vẫn chia sẻ, tranh luận đến phút chót.
“Có hôn nhân, có hiện tượng chán cơm thèm phở. Đây là phản ứng bình thường”. Phát biểu của tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý TPHCM, khiến nhiều bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân ngỡ ngàng. V.T.H.S, nhân viên một công ty phát hành sách, bức xúc: “Yêu nhau hơn ba năm, cưới nhau, sống với nhau gần một năm, anh ấy lúc nào cũng yêu thương, chu toàn cho gia đình, vậy mà cũng có lúc tôi bị anh ấy cắm sừng”. Mối tình vụng trộm của chồng chị V.T.H.S bắt đầu cùng lúc với thời gian anh chị làm lễ cưới. Suốt một năm, đến giờ nghỉ trưa là thời gian đôi tình nhân ấy cùng ăn cơm, gần gũi nhau. Mối quan hệ này bị phát hiện trong một lần tình cờ chị S. không mang theo cơm nhà như mọi khi mà cùng bạn ra ngoài dùng bữa. Thấy chồng cùng cô gái lạ ăn uống và tay trong tay lên nhận phòng ngay phía trên khu vực tổ chức tiệc buffet trưa, chị hoang mang đến cực độ nhưng chẳng biết phải giải quyết vấn đề như thế nào.
Lý giải về hiện tượng này, tiến sĩ Đinh Phương Duy cho biết sau khoảng thời gian yêu đương lãng mạn, đời sống vợ chồng với những chung đụng sẽ dần bộc lộ tính xấu của mỗi người. Lúc này, sự quen thuộc, những thói tật cũng như tác động bên ngoài rất dễ khiến người trong cuộc lạc lòng. Tuy nhiên, tỉ lệ ngoại tình của người chồng bao giờ cũng cao hơn người vợ bởi tâm lý cũng như cấu tạo sinh học khiến người đàn ông dễ “chán cơm thèm phở”, dù đôi khi không hẳn vì họ không còn yêu vợ. Khác với người phụ nữ, ngoại tình thường xuất phát từ tình yêu, lòng ngưỡng mộ, hay sự biết ơn... Cũng theo tiến sĩ Duy, những cuộc phiêu lưu tình ái thường rất khó kiểm soát. Lúc này, vấn đề lớn nhất mà người phụ nữ phải đối diện là làm thế nào để giữ được chân chồng.
Làm cơm nhiều món
Là một trong khá ít phái mày râu đến tham dự chuyên đề, anh Nguyễn Danh Đức, Q.3- TPHCM, thừa nhận khá nhiều lần anh đã xao xuyến trước những nữ đồng nghiệp thông minh và duyên dáng. “Cảm xúc ấy đến rất nhanh, khó kiểm soát”- anh chia sẻ. Nhiều lần, những tín hiệu của các cô gái khiến anh khó dằn lòng đến mức khi về đến nhà, nhận được sự chăm sóc của vợ, anh cảm thấy có lỗi. Nhưng “sự tự tin và cách vợ tôi làm mới mình luôn khiến tôi bất ngờ và đã giúp tôi bước qua được những xúc cảm ấy”- anh Đức nói. Cách giữ chồng của vợ khiến anh cũng phải làm mới mình như đổi kiểu tóc, quan tâm vợ hơn để giữ vợ trước hấp lực từ những người đàn ông xung quanh.
Chỉ cần chú ý đến cách cư xử với nhau, cả vợ, chồng đều có khả năng tạo cảm giác mới mẻ và hứng thú, yếu tố quan trọng của hôn nhân. Đáng tiếc, tỉ lệ những đôi vợ chồng biết cư xử để giữ nhau như thế không nhiều. “Sự đơn điệu trong phong cách sinh hoạt của phụ nữ khiến họ trở nên nhàm chán trong mắt chồng” - tiến sĩ Đinh Phương Duy nhận xét. Tựa như chế biến cơm thành nhiều món, nếu người vợ có thể trang bị cho mình khả năng thành một người bạn, một người vợ lẫn một người tình, chắc chắn đấng lang quân sẽ khó lạc lòng.
Ngay cả khi việc ngoại tình xảy ra, người trong cuộc nếu cứ cay đắng mãi sẽ khiến mối quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng hơn. Cần đối diện vấn đề một cách thanh thản để có sự lựa chọn cùng nhau đi tiếp hay dừng lại trên con đường hôn nhân của mình là điều cần thiết hơn cả. “Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ/Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ”- biểu hiện tâm lý bình thường này được quyền nhận những cảm thông từ phía người cùng chăn gối. Tuy nhiên, để những phút lạc lòng ấy không dẫn đến ngoại tình là vấn đề mà cả vợ và chồng đều phải hết sức nỗ lực vượt qua.