Chạy chữa Tây y không khỏi, Đông y cũng chưa có tác dụng. Bệnh càng ngày càng nặng, anh phải đến bệnh viện tháo khớp bàn chân phải. Những ngày ấy mẹ anh phải từ Việt Trì xuống Hà Nội để chăm sóc anh, cô người yêu viện cớ bận việc, họa hoằn mới đến thăm anh dăm ba phút, nhưng cũng chỉ được vài tháng rồi thôi hẳn.
Vết thương sau khi phẫu thuật của Ngọc mãi vẫn không lành, nó cứ rỉ nước vàng và nhức nhối. Mẹ anh lại đưa anh vào bệnh viện. Lại một lần phẫu thuật nữa và lại mất thêm một đoạn chân. Cả năm trời mà vết mổ vẫn không lành.
Lần thứ 4 Ngọc phải vào bệnh viện. Chân anh đã bị cắt lên đến đùi. Nằm hai tháng trong bệnh viện mà vết mổ vẫn ri rỉ nước vàng. Mẹ thương anh, nhiều lúc không cầm được lòng, bà ra hành lang khóc thầm. Hôm ấy, bà đang lau nước mắt thì có một cô gái tay quấn băng đến gần hỏi chuyện. Gặp được người để giải tỏa nỗi lo và sự đau khổ nên bà dốc hết ruột gan tâm sự với cô.
Bà than: “Tốn cho 4 lần đi mổ và chữa trị đã hết hơn hai trăm triệu rồi. Ba năm trời, nhà cửa có gì cũng đã bán sạch. Lần này không biết nó có khỏi không. Không khỏi thì chỉ còn nước chết...”. Bà lại bật khóc. Tiếng khóc đau khổ cố nén của người mẹ thương con như tiếng đau đứt ruột làm cô gái xót xa, mắt cô cũng rơm rớm.
Từ hôm ấy, hai người phụ nữ hay rủ rỉ chuyện trò, có điều gì cũng tâm sự, kể cho nhau nghe, thỉnh thoảng cũng có tiếng cười khe khẽ.
Cô gái đó có cái tên thật hay và thật dịu – Mai. Mai bị gãy tay, cũng sắp được tháo bột. Hàng ngày ở nhà mang gì vào cho cô, cô cũng đem sang mời mẹ con Ngọc. Bà không nhận thì Mai giận dỗi, Ngọc lại bật cười dỗ dành: “Mẹ anh không nhận thì anh nhận. Em cứ để đấy cho anh, anh cám ơn em”. Thế là cô lại vui vẻ.
Mai không nói ra nhưng cô vừa thương vừa phục Ngọc. Bệnh tình anh nặng là thế, tương lai mù mịt là thế, mà lúc nào anh cũng vui vẻ như chẳng có chuyện gì, anh còn an ủi người khác, anh còn trêu cô: “Con gái mà nghịch đến nỗi gãy tay thì anh nào dám rước...”
Một tuần sau khi Mai ra viện, cô quay lại thăm mẹ con Ngọc, thấy chân Ngọc vẫn rỉ nước vàng mà phác đồ điều trị vẫn không hề thay đổi. Mẹ Ngọc phải đi trông người bệnh thuê để kiếm tiền chi tiêu.
Mai hỏi Ngọc: “Anh có dám liều một phen không, có dám đánh một canh bạc được ăn cả ngã về không không nào. Nếu anh dám thì em sẽ đưa anh đi đến một ông thầy đã chữa cho một người bị giống y như anh thế này mà đã khỏi... Dám không? Anh đừng lo chi phí. Phần chi phí chữa chạy thì em chịu, còn phần khỏi hay không thì anh chịu... Dám không? Dám thì anh về theo em. Ở ngay nhà em. Thầy thuốc là ông bác em...”.
Ngọc nghe Mai nói thì bật cười: “Anh còn gì để mất mà không theo em. Hễ có cái phao nào, anh cũng bám vào hết”. Ba tháng, chỉ ba tháng gặp thầy, gặp thuốc, chỗ mổ không còn rỉ nước vàng, da dần dần liền lại. Niềm vui không bút nào tả xiết.
Ngày đầu tiên Ngọc tự đi được bằng chiếc chân giả anh đã bật khóc. Anh nói với Mai: “Không có em thì chắc anh chẳng còn trên đời này nữa. Anh biết đền ơn em bằng cách nào đây...”. Mai đang cười cũng òa khóc theo, vừa quệt nước mắt vừa nói: “Thì anh đền ngay anh cho em đi...”
Chuyện tình duyên của Mai và Ngọc là thế đấy. Như mọi chuyện cổ tích, luôn luôn có hậu. Mai và Ngọc sống với nhau đã gần mười năm trong hạnh phúc trọn vẹn, không một lần to tiếng. Bởi trong tình yêu của họ còn có sự cảm thông, chia sẻ, còn có lòng biết ơn, khâm phục. Họ yêu nhau và sống vì nhau...