Câu ví von của ông bà ngày xưa "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" càng làm tôi lo hơn. Lấy chồng rồi, tôi luôn tìm mọi cách "né” mấy bà cô để đỡ rắc rối. Nhưng một biến cố lớn trong cuộc sống hôn nhân đã giúp tôi nhận ra rằng: không phải "bà cô bên chồng" nào cũng...
Phát hiện chồng có bồ nhí, tôi đau đớn, thất vọng, nhưng chỉ chia sẻ với bên ngoại mà không dám nói với bên nội. Đứa bạn thân còn "đế” thêm: "Nói ra chưa chắc đã được chia sẻ. Dẫu có thế nào thì họ cũng sẽ bênh vực con, em mình và còn có thể trách ngược rằng cô không biết cách chăm sóc, lo lắng cho chồng nên mới ra cớ sự như vậy". Người tính không bằng trời tính, tôi không nói nhưng chẳng biết sao mấy "bà cô” vẫn phát hiện "bí mật" của vợ chồng tôi.
Một buổi chiều đẹp trời, tôi thót tim khi nghe ba người chị chồng mời đi ăn món Huế. Tôi thầm nghĩ, chiến tranh chắc sắp bùng nổ, chuẩn bị "rửa tai" mà nghe lên lớp. Thú thật, tôi cũng chẳng phải loại phụ nữ hiền lành gì. Suốt buổi chiều, trước giờ hẹn, tôi chuẩn bị sẵn mọi lý lẽ, bằng chứng... để "phản biện", bắt mấy "bà cô” phải thừa nhận em trai mình có lỗi chứ không phải tôi.
Đến điểm hẹn với khuôn mặt "đằng đằng sát khí”, tôi chưng hửng khi bắt gặp ba nụ cười tươi như hoa. Ba "bà cô” lăng xăng khác thường. Người kéo ghế, người đỡ túi xách, người đưa khăn lạnh cho tôi. Dù cũng nở nụ cười tươi không kém, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn cảnh giác: "Thôi nói gì nói đại cho rồi, làm màu chi mất công!".
Sau gần cả tiếng bâng quơ dạo đầu, một "bà cô” dè dặt: "Mợ nè, có phải cậu ấy lăng nhăng bồ bịch không?". Cũng chẳng còn gì để giấu, tôi kể hết đầu đuôi sự việc. Một chút thách thức len lỏi trong ý nghĩ: "Mấy chị tưởng em mấy chị ngon lắm hả? Có trách thì về mà trách ông em của các chị kìa". Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn có cảm giác xấu hổ khi nhớ lại suy nghĩ ấy của mình.
Chẳng một lời trách móc, cả ba người ngồi thừ nghe tôi "diễn thuyết". "Bà cô” lớn nhất vòng tay qua vai tôi vỗ về: "Thôi mợ đừng buồn, đừng suy nghĩ nhiều. Giữ sức khỏe để còn làm việc, lo cho con cái. Để chị em tôi nghĩ cách dắt đường cho cậu quay về".
Sự bướng bỉnh trong tôi khi ấy chợt xìu như quả bóng hết hơi. Nhìn ánh mắt của họ, tôi biết họ thật lòng, không màu mè hoa lá cành. Một bàn tay khẽ đặt lên tay tôi, xiết chặt. Chỉ chừng ấy thôi nhưng đầy ý nghĩa, đủ khiến tôi cảm thấy lòng mình ấm áp và vững tin biết chừng nào. Tôi òa khóc như một đứa trẻ.
Xúc động hơn, "bà cô” ở tận miền Trung cũng vội vàng bỏ hết chuyện buôn bán để vào TPHCM khi nghe ba "bà cô” thành phố xác nhận chuyện bồ bịch của chồng tôi là có thật. Cả ngày, chị ở nhà, hết dọn dẹp rồi lại nấu mấy món ăn miền Trung mà tôi rất thích. Buổi tối, khi tôi đi làm về, chị cứ lăng xăng, an ủi, động viên vì sợ tôi buồn. Lần đó chị ở thành phố đến 10 ngày, chưa bao giờ chị ở lâu như vậy.
Không biết có phải mấy "bà cô” sắp xếp, bàn bạc trước không, mà khi "bà cô” này vừa về quê, một "bà cô” khác ở Ban Mê Thuột lại gọi điện thoại ríu rít thăm hỏi, động viên. Cứ cách một hai ngày, chị lại gọi một lần. Có khi chỉ để hỏi: "Mợ đi làm về chưa? Ăn cơm chưa? Khỏe không?". Và câu kết thúc muôn thuở của chị là: "Thôi mợ ráng giữ sức khỏe, đừng suy nghĩ nhiều. Ráng lên mợ hỉ!".
Giai đoạn này, nhà mấy "bà cô” lại tổ chức tiệc liên miên. Hết sinh nhật con út chị Ba tới sinh nhật con lớn chị Hai; rồi lại ăn mừng chị Năm mới được tăng lương... Trước kia, dù ở gần nhau nhưng có khi cả hai, ba tháng mọi người mới có dịp gặp nhau một lần. Bây giờ thì gặp nhau liền liền. Cũng chẳng phải ăn uống linh đình gì, chỉ vài món tôi khoái khẩu như bún riêu, bún bò, mì Quảng, lẩu... Điều chính yếu là không khí đại gia đình quây quần ấm cúng. Mọi người sợ tôi buồn vì nhà chỉ còn ba mẹ con.
Nhiều cuộc họp gia đình cũng được "triển khai". Nhân vật chính vẫn là chồng tôi. Mấy chị không tiếc lời nhiếc móc, nặng nhẹ ông em yêu quý. Có lúc nghe mấy "bà cô” lên lớp chồng tôi, tôi phải tự trấn tĩnh lại xem tôi và chồng, ai mới là em ruột của mấy chị.
Nhiếc móc, răn dạy không xong, mấy "bà cô” lại họp bàn cách "lôi" cho được chồng tôi về nhà. Sau vài lần thất bại, bản tính bướng bỉnh lại bùng dậy, tôi cong cớn: "Em không cần phải nghĩ cách mời chồng về. Muốn về thì tự biết đường về. Gần 50 tuổi, anh ấy thừa biết cái gì đúng, cái gì sai. Các chị đừng mất công lôi cái xác không hồn của ảnh về nhà. Con người mà hồn một nơi, xác một nẻo không có ý nghĩa gì với em".
Nghe tôi nổi khùng, chị ruột của tôi hết hồn, cấu tôi một cái đau điếng. Những rồi chính chị cũng ngỡ ngàng khi nghe một "bà cô” ôn tồn: "Đàn ông ai cũng có lúc lầm lạc. Thôi vì con, mợ tha thứ cho cậu, để con còn có cha".
Đến giờ chồng tôi vẫn chưa "qua cơn mê”. Tôi bắt đầu hết kiên nhẫn trong việc gọi chồng quay về. Nhưng năm "bà cô” thì vẫn cương quyết không bỏ cuộc. Họ lại đang bàn nhau tìm phương cách khác. Cũng chẳng hiểu kết cục sẽ ra sao. Chẳng biết hạnh phúc gia đình tôi có được hàn gắn hay không, nhưng tôi biết chắc một điều: tôi đã có thêm năm bà chị để được yêu thương, chia sẻ.