Dưới bếp, một chồng bát ngất ngưởng trong chậu rửa. Nào rau, nào hành, nào măng vẫn còn bày nguyên như ở chợ. Bánh chưng, mâm ngũ quả vẫn chưa được bày lên bàn thờ... Đấy mới chỉ là ngày đầu tiên khi "osin" về quê ăn Tết.
Rối như canh hẹ
Cảnh nhà của chị Hoa (Gia Lâm - Hà Nội) trong ngày 27 Tết khi "osin" vừa về buổi sáng hôm đó là như thế. Chỉ mỗi việc lo cho đứa lớn (5 tuổi) và đứa bé (2 tuổi) ăn đã đủ chóng cả mặt chứ đừng nghĩ đến việc dọn dẹp nhà cửa.
Lâu rồi, mọi việc nhà và chăm sóc con cái, chị Hoa đều ủy thác cả cho "osin" nên giờ những công việc này đối với chị quả là quá sức. Mọi người ở cơ quan thường tấm tắc khen chị Hoa nuôi con mọn mà nhàn hạ, sung sướng. Có hôm trưa chị cũng chẳng cần về, để "osin" ở nhà cả ngày với con nhỏ. Vui bạn bè thì đi ăn trưa, uống cà-phê, chiều đón đứa lớn rồi về luôn thể. Được cái, "osin" nhà chị Hoa vừa chăm chỉ, vừa thật thà lại biết nhặt việc để làm nên nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, tươm tất.
Còn với chồng chị Hoa thì lại càng rảnh rang để đi ra ngoài. Sáng chỉ mỗi một việc đưa thằng lớn đi học, làm hết giờ ở cơ quan rồi đi đá bóng, ăn nhậu với bạn bè đến tối mịt mới mò về đến nhà. Có lần vài ngày hai vợ chồng cũng chẳng nhìn thấy mặt nhau vì chồng đi sớm, lúc về thì ba mẹ con đã ngủ từ bao giờ.
"Osin" - "Người duy trì" hạnh phúc gia đình
Sau đợt Tết vừa rồi, Tú Anh (Từ Liêm-Hà Nội) mới chợt nhận ra rằng, chính "osin" là người giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hai vợ chồng suốt ngày đi làm, về đến nhà là có cơm canh ngon ngọt, con cái sạch sẽ, khỏe mạnh. Mọi câu chuyện giữa hai vợ chồng là chuyện cơ quan, bạn bè, xã hội rồi chơi với con.
Nhưng những ngày nghỉ Tết, khi "osin" về quê, mọi sinh hoạt gia đình bị đảo lộn. Một mình Tú Anh xoay ra để lo cơm cỗ cúng, rau cháo cho trẻ con, dọn dẹp nhà cửa... còn chồng thì cứ ngồi nghe nhạc và xem ti-vi. Con bé chơi nghịch bị ngã sưng đầu mà cả chồng và vợ đều không biết gì cũng chỉ vì bật nhạc quá to. Thế rồi đổ lỗi cho nhau, cãi vã nhau rồi... giận nhau ba ngày Tết.
Chung sống đã được 5 năm nay nhưng chưa bao giờ vợ chồng Tú Anh to tiếng với nhau. Giờ Tú Anh nhận ra rằng, cũng vì có "osin" đảm đang nên vợ chồng cô chẳng mấy khi phải làm chuyện nhà nên cũng chẳng cãi nhau bao giờ. Thiếu "osin", mọi việc cứ rối tung lên và xảy ra mâu thuẫn là chuyện đương nhiên.
Cứ mỗi khi đến Tết là Thu Hoài (Định Công - Hà Nội) lo đến ốm người. Không phải là những chuyện quà bánh nội, ngoại hay cỗ bàn cúng tổ tiên mà là chuyện... "osin" sẽ về quê ăn Tết. Đã 7 năm nay, kể từ ngày lấy chồng cũng là ngày nhà Thu Hoài lúc nào cũng có những hai "osin". Một "osin" chuyên chăm em bé và một "osin" làm việc nhà và đi chợ.
Nên những ngày "osin" về quê là mọi chuyện quá sức với Thu Hoài. Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay cúng xong 30 Tết, cả nhà khăn gói về nhà bà ngoại ở gần đó ăn Tết cho đến khi... "osin" xuất hiện.
Nên có dịch vụ thuê "osin" ngày Tết
Dân thành phố giờ nhà nào cũng phải "tậu" một "osin", chủ yếu do nhiều phụ nữ quá bận bịu, không có thời gian dành cho việc nhà cũng chẳng có ông bà nội ngoại gì để giúp trông cháu, và đỡ đần việc nhà. Nên cuộc sống của những gia đình trẻ giờ phụ thuộc hoàn toàn vào "osin". Mỗi lần Tết đến, "osin" về quê là nhiều phụ nữ ngao ngán nhìn nhau lắc đầu. Cánh đàn ông cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, vừa phải đỡ đần vợ làm việc nhà, trông con lại vừa chẳng được đi tụ tập chơi xuân.
Nhiều người mong muốn Tết cũng có dịch vụ thuê "osin" thì hay biết mấy. Nhưng có mời đến "gẫy đũa, gẫy bát" các "osin" cũng không ở lại, vì cả năm có một cái Tết đoàn tụ với gia đình không thể ở lại được. Cho dù, có cả những gia chủ trả thù lao hậu hĩnh đến 100.000 đồng/ngày cũng không ai ở lại.
Nhiều phụ nữ có thu nhập cao giờ không chỉ mong có dịch vụ giới thiệu "osin" nữa mà còn mong có cả dịch vụ thuê "osin" làm trong ngày Tết.