Dường như cô nàng cũng đoán được suy nghĩ của tôi nên cười tủm tỉm: “Chưa chắc đâu nha! Tui mà dễ chịu như ông nghĩ thì đã lấy được chồng chớ đâu có chết già như vầy?”. Trời, nói đàng nào, nghĩ đàng nào cũng bị chặn họng, chặn hầu như vậy, chẳng lẽ đàn bà đều như thế cả sao?
Cô gái này ngày xưa tôi đã từng theo đuổi và cũng đã nhận lời yêu tôi. Thế nhưng đến năm cuối đại học, tôi chợt nhận ra cô ấy thông minh quá, sôi nổi quá, chuyện gì cũng nổi bật nên ở cạnh cô ấy, tôi cảm thấy mình thua sút. Thế là tôi chia tay. Ngày đó, cô đã mím môi thật chặt chứ không hề khóc.
Thế nhưng, tôi đâu biết, giọt sương mùa thu của tôi rất… dễ vỡ! Cưới nhau được 3 ngày, nàng đã đùng đùng đòi ở luôn nhà ngoại vì hôm ấy tôi đi “giở mâm trầu” mà nhậu xỉn cà ná. Má vợ tôi phải năn nỉ, em vợ tôi phải đưa về tận nhà. Sau hôm ấy, nàng ra “tối hậu thư”: Không được nhậu say trong bất kỳ hoàn cảnh nào!
Trời ạ, có ai trên đời này nhậu mà không say? Chỉ có say ít hay say nhiều thôi chứ cái chất ấy mà vào trong máu rồi thì mọi thứ đảo lộn. Tôi ậm ừ hứa cho qua để rồi sau này ân hận mãi vì hứa mà có làm được đâu? Nhiều người thà bỏ vợ chứ không bỏ rượu; còn tôi thì không mạnh miệng như vậy nhưng lai rai năm ba sợi với bạn bè thì có cắt cổ tôi, tôi cũng đành chịu chớ không lẽ vì vợ mà mất hết bạn bè? Thôi thì đành nghe cằn nhằn, đành phải năn nỉ, đành phải ôm mùng mền xuống đất những khi quá chén…
Tuy nhiên, đó chỉ mới là… lũ đầu mùa. Phải hơn 1 năm sau, khi vợ tôi có bầu thằng cu Tí thì lũ chính vụ mới tràn về. Khi ấy, nàng bắt đầu ẩm ương, khó ở. Thương vợ, ham con, tôi đành phải xông pha trận mạc từ đi chợ, nấu cơm, lau nhà… Thế nhưng, tôi làm gì, bà xã cũng không ưng bụng: Cơm thì khô, cá thì tanh, canh thì lạt; nhà thì lau không sạch; đi chợ thì bị mấy bà, mấy em hàng rau, hàng cá “cắt cổ”….
Giọt sương mùa thu của tôi bắt đầu lắm lời. Em có thể nói từ lúc mở mắt cho đến khi lên giường; thậm chí nửa đêm thức giấc, bị thai hành, em lại lầu bầu chửi… cha của thằng nhỏ! Tôi chép miệng cho qua vì nghĩ đàn bà thai nghén chắc là mệt mỏi, khó chịu lắm…
Sinh con được 6 tháng, vợ tôi đòi đi làm nhưng không có chỗ nào nhận con nít nhỏ như vậy. Thế là tôi phải năn nỉ bà xã nghỉ thêm. Bất hạnh là điều đó cũng khiến bà xã tôi mất việc. Gánh nặng kinh tế gia đình dồn hết lên vai tôi nhưng điều đó cũng không làm tôi mỏi mệt như khi về đến nhà, lại bắt đầu nghe bà xã hát “bài hương ca vô tận”.
Thế là từ đó, tôi bắt đầu… sợ về nhà. Tan sở nếu không có ai rủ rê thì tôi lại chủ động rủ rê người ta… Được chừng 3 tháng thì ba má vợ tôi lên lịch “làm việc” với thằng con rể hư đốn. Tôi hứa với ba má sẽ không đi sớm, về trễ; sẽ quan tâm chăm sóc vợ con nhưng cũng đặt điều kiện: vợ tôi làm ơn bớt càm ràm, bớt mặt nặng mày nhẹ với chồng con…
Thỏa thuận được thực thi chừng 1 tháng thì vợ tôi bắt đầu đi làm lại. Vậy là tôi có thêm nhiệm vụ đưa rước con để vợ toàn tâm, toàn ý cho công việc. Thậm chí, tôi còn tranh thủ hôm nào về sớm lại nhào vô bếp hì hục nấu món ngon đãi vợ. Nhưng 10 hôm đủ chục, lần nào lên bàn ăn, em cũng phun cái “phèo” rồi phán: “Chưa thấy ai nấu ăn dở như vậy”. Nói rồi em đi rót… chén nước mắm trong để chan.
Đến lần thứ 10 thì tôi tuyên bố: “Thôi, từ nay em muốn ăn gì thì tự làm, tôi không nấu nữa”. Thế là em lu loa: “Trời ơi, sao mà tôi khổ quá vầy nè? Chồng người ta thấy ham, còn chồng mình thấy chán”. Rồi em dẫn chứng chồng chị A, chị B vừa làm nhiều tiền, vừa biết chăm sóc vợ con… Nghe vậy, tôi lại đi nhậu tiếp.
Lần này chỉ 1 tháng sau là ba má vợ tôi xuất hiện với những lời giáo huấn cổ điển như đàn ông là cái nóc nhà; nóc nhà mà dột thì mọi thứ trong nhà sẽ hư hỏng; nào là đàn ông phải rộng lượng thì mới đáng mặt làm chồng, làm cha… Tôi nghe cũng phải nên lại tu chí làm cha, làm chồng.
Thế nhưng cái sự đời không đơn giản. Nếu nặng cái này quá thì sẽ nhẹ cái kia. Không ra ngoài được thì tôi rủ bạn bè về nhà chứ chẳng lẽ sống trên đời mà chỉ biết có mình mình? Lần đầu bạn tôi ghé chơi, bà xã tôi còn vui vẻ chào mời; lần thứ hai thì đã bắt đầu bớt vồ vập… Đến lần thứ ba thì nàng ẳm con vô phòng, chẳng ló mặt ra. Sau hôm đó, bạn bè tôi cũng không dám lui tới.
Không chỉ với bạn bè mà bà con, em út bên nhà tôi ghé chơi, em cũng có vẻ mặt chằm vằm, chù ụ như vậy. Có lẽ ngày vợ tôi vui vẻ duy nhất trong tháng là ngày tôi lãnh lương mang về. Em ngồi đếm say sưa, xong tách bạch phần nào chi tiêu, phần nào để dành.
Công bằng mà nói, vợ tôi là người kim chỉ, chi tiêu căn cơ, không bao giờ lãng phí. Đến nỗi, những thứ cho riêng mình, em cũng không quan tâm. Đi làm thì chỉ có mấy bộ quần áo mặc đi, mặc lại; đám tiệc thì thôi khỏi nói, em chẳng bao giờ đi với lý do “đi một mình anh đỡ tốn tiền hơn”.
Mấy lần tôi làm thêm có tiền, bảo em đi sắm mấy bộ quần áo mặc ở nhà cho tươm tất nhưng rồi em lại mang tiền đi… gởi tiết kiệm với lý do: “Có ai chết vì mặc quần áo cũ đâu?”. Đành là vậy, nhưng trong mắt tôi, hình ảnh người phụ nữ với mấy cái cuốn tóc lổn nhổn trên đầu, bộ quần áo đã sờn hết gấu, lưng thun giãn hết cỡ, tuột lên, tuột xuống thật tình là… nhìn chẳng muốn nhậu nữa!
Khi tôi nói điều này với em thì giọt sương mùa thu của tôi lồng lộn lên: “Tôi làm như vậy là vì ai? Vì anh, vì con, vì cái nhà này. Đàn ông các anh chẳng lẽ không còn biết chuyện gì ngoài chuyện đè ngửa vợ ra để thỏa mãn dục vọng? Nói thật lòng, tôi cũng chán lắm, mệt lắm rồi. Anh nói anh không đụng đến tôi nữa hả? Tôi còn cầu như vậy nữa. Tôi chớ có phải anh đâu mà ham hố? Anh có giỏi thì cứ ra ngoài giải quyết đi”.
Trời ạ, có người vợ nào lại xúi chồng mình đi ăn bánh trả tiền thế không? Đã vậy thì thôi. Tôi giận dữ: “Tôi muốn ly hôn. Tôi muốn sống với một người vợ thật sự chớ không muốn sống chung với một cái giẻ rách”. Khi nói điều này, tôi thấy trong mắt vợ tôi một tia thật lạ. Dường như đó là sự thảng thốt. Nhưng tôi đã quyết rồi. Tôi không muốn tiếp tục cuộc sống như thế này…
… Khi nghe tôi dốc bầu tâm sự, cô bạn thân của tôi có vẻ nghĩ ngợi. Cuối cùng cô bảo tôi: “Vợ anh có những mặt chưa được, nhưng nói chung thì cũng có nhiều tính tốt… Nếu cứ chăm chăm nhìn vào tật xấu của nhau thì làm sao mà sống được? Anh về làm lành với vợ đi. Cơ bản, Thu Sương là người tốt”.
Tôi về nhà, bà xã lỏn lẻn ra mở cửa, hỏi tôi đói bụng không? Chẳng nghe tôi trả lời, em rón rén xuống bếp dọn cơm. Dù đã no nhưng tôi vẫn ngồi xuống mâm cơm.
Thôi, nghĩ vậy đi cho khỏe…