Bà O. (56 tuổi, ngụ huyện Thạnh Phú, Bến Tre) trình bày trong đơn ly hôn rằng: Năm 1984, bà với ông Y. (55 tuổi) quen biết nhau rồi sống với nhau như vợ chồng. Từ khi về chung mái nhà, hai ông bà sống với nhau rất hạnh phúc.
Từng sống hạnh phúc
Nhưng khoảng năm 1990 thì tính tình ông Y. bắt đầu khó chịu. Hở ra cái gì ông Y. cũng đều nói này nọ, khó khăn với bà. Do không chịu nổi sự thất thường của ông Y. nên bà mới bỏ đi theo người đàn ông khác…
Nhưng vài tháng thì bà quay về với ông Y. và mang theo cái thai với người đàn ông mà bà đã đi theo. Mặc dù biết rõ việc làm của bà nhưng ông Y. vẫn tha thứ và vui vẻ nhận đứa con riêng của bà làm con chung trong nhà. Từ đó ông Y. vẫn luôn thương yêu, chăm sóc đứa con này như con ruột của mình.
Nhưng hai người đoàn tụ, hạnh phúc được một thời gian thì lại mâu thuẫn do ông Y. nổi tính ghen. Hằng ngày ông hay nhắc lại chuyện cũ để gây áp lực tinh thần, thậm chí có lần còn đánh bà O. Vì thế, từ năm 2009 bà O. và ông Y. sống ly thân, không còn qua lại hay quan tâm, chăm sóc nhau nữa. Gần đây bà O. cảm thấy không còn thiết tha gì tình cảm vợ chồng với ông Y. nên bà làm đơn yêu cầu tòa xử cho ly hôn . TAND huyện Thạnh Phú đã thụ lý giải quyết vụ án.
Theo bà O., hiện con riêng của bà đã trưởng thành nên không yêu cầu ông Y. cấp dưỡng. Tài sản giữa hai người gồm một chiếc xe máy, hai con bò, hai thửa đất và một căn nhà nằm trên đất cùng một số đồ đạc, vật dụng trong nhà. Bà O. yêu cầu được chia đôi số tài sản này.
Tuy nhiên, trong quá trình tòa giải quyết, giữa bà với ông Y. thỏa thuận được với nhau số tài sản chung nên bà O. rút yêu cầu về chia tài sản chung. Bà chỉ yêu cầu tòa ghi nhận ông Y. giao trả cho bà 70 triệu đồng tiền chênh lệch về tài sản chung trong thời hạn một năm. Về nợ ngân hàng 80 triệu đồng, ông Y. cũng đã trả xong nên bà rút yêu cầu giải quyết.
Sống ly thân hơn 6 năm
Trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, ông Y. cho rằng vợ chồng cưới nhau tuy không đăng ký kết hôn nhưng sống rất đầm ấm. Lý do ông bà mất hạnh phúc là thập niên 1990, lúc kinh tế gia đình gặp khó khăn thì bà O. bỏ theo người đàn ông khác. Một thời gian ngắn sau, bà O. quay về mang theo cái thai trong bụng nhưng nghĩ tình nghĩa vợ chồng nên ông tha thứ để vợ chồng cùng nuôi đứa con. Ông cho rằng lúc nào cũng xem đứa con bà O. mang về như con ruột của mình.
Nhưng sau đó bà O. không còn nghĩ đến ông nữa, bà đi đâu, làm gì cũng không hề nói với ông. Buổi tối khi về nhà, bà O. khóa cửa phòng, không cho ông vào ngủ chung. Chính vì thế tình cảm vợ chồng ngày càng rạn nứt, không cứu vãn được. Cũng từ đó hai vợ chồng bắt đầu sống ly thân, tính đến khi ra tòa là hơn sáu năm trời.
Trước yêu cầu ly hôn của bà O., ông Y. cho biết mình đồng ý vì sau nhiều năm không còn chung sống với nhau thì tình cảm vợ chồng đã phai nhạt. Về tài sản chung và khoản nợ ngân hàng, giữa ông và bà đã giải quyết xong như bà O. đã trình bày, ông không ý kiến.
TAND huyện Thạnh Phú nhận định hôn nhân giữa hai bên được xác lập vào năm 1984, trước ngày 3-1-1987 nên được xem là hôn nhân thực tế, được pháp luật bảo vệ và thừa nhận. Tuy nhiên, sau nhiều lần hòa giải không thành, tòa đã đưa vụ án ra xét xử.
Tại tòa, bà O. yêu cầu được ly hôn và ông Y. cũng đồng ý vì cả hai đều nhận thấy không thể cải thiện được tình cảm vợ chồng. Điều đó chứng tỏ hôn nhân giữa bà O. với ông Y. đã đến mức trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, đời sống chung không thể kéo dài nên ly hôn là biện pháp tốt nhất cho cả hai. Vì vậy, HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà O.
Về tài sản chung và nợ chung, quá trình giải quyết, giữa bà O. với ông Y. đã thỏa thuận xong, bà O. cũng rút yêu cầu nên tòa ghi nhận sự thỏa thuận này là phù hợp với pháp luật.