“Sau cơn cuồng sát, bị cáo vô cùng ân hận vì nếu không sống được với nhau, sao không ly hôn mà đối xử với nhau dã man như vậy. Giờ bị cáo chiêm nghiệm được điều đó thì muộn mất rồi…”.
Những lời hối lỗi của Nguyễn Văn Huỳnh trước phiên toà phúc thẩm khiến nhiều người không khỏi nghẹn lòng…
Hơn 10 năm về trước, Nguyễn Văn Huỳnh kết hôn với chị Trần Thị K.H, cuộc sống tuy vất vả nhưng cặp vợ chồng trẻ sống hạnh phúc, họ có với nhau hai người con ngoan ngoãn, học giỏi. Mặc dù chỉ mới học hết lớp 3, làm nghề thợ hồ nhưng trong 10 năm chung sống, Huỳnh rất chăm chỉ làm ăn, tránh xa rượu chè, không ngại đi các tỉnh xa lao động quần quật nuôi sống gia đình .
Đầu năm 2011, khi đi theo thầu xây dựng ở một tỉnh phía Bắc, Huỳnh bỗng tá hoả khi nhận được tin “sét đánh”: Vợ có dấu hiệu “cắm sừng” mình. Nén cơn giận, Huỳnh trở về quê tìm hiểu sự tình, tuy nhiên, chị K.H thề thốt không phản bội chồng. Nỗi nghi ngờ cứ âm ỉ khiến cuộc sống gia đình trở nên vô cùng căng thẳng.
Huỳnh bỏ bê công việc, suốt ngày “mật phục” tìm cơ hội bắt quả tang vợ ngoại tình. Sau một thời gian theo dõi, Huỳnh không thấy vợ có biểu hiện gần gũi người đàn ông nào, nỗi nghi ngờ dịu lại. Cho đến một buổi trưa, Huỳnh phát hiện K.H đi vào một khách sạn tại quận Tân Bình. Chờ cửa phòng khép lại, Huỳnh bất ngờ xông vào và chết điếng trước cảnh tượng vợ mình đang gần gũi một người phụ nữ khác.
Sau lần phát hiện ra sự thật phũ phàng, mối quan hệ vợ chồng Huỳnh xấu đi. Huỳnh căm hận người vợ đồng tính. Khuya 15-5-2011, Huỳnh nằm trằn trọc trên chiếc giường cưới mà vợ chồng đã sống với nhau hơn 10 năm.
Đầu buổi chiều, K.H thông báo có việc phải làm, đến khuya mới về. Sự nghi ngờ và ám ảnh trỗi dậy, Huỳnh bấm điện thoại gọi cho Hằng nhưng máy “ngoài vùng phủ sóng”. Huỳnh nghĩ rằng chị K.H đang hoan lạc với những kẻ đồng tính, máu nóng trong người lại trào lên.
Đến nửa đêm, chị K.H mới về nhà, ngủ cùng mẹ và hai con ở nhà dưới. Nhiều lần Huỳnh xuống ra hiệu cho vợ đi lên nhà nói chuyện nhưng người vợ tỏ ra khó chịu: “Có gì mai nói, giờ để tôi ngủ!”. Huỳnh liền “trừng phạt” vợ bằng nhiều nhát dao. Người con lớn của Huỳnh nghe động tỉnh giấc nhìn thấy cảnh tượng trên liền kêu Huỳnh ngừng tay, lúc này K.H đã gục chết.
Toà sơ thẩm tuyên phạt Huỳnh mức án tù chung thân. Tuy nhiên, Viện kiểm sát kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt lên mức tử hình với lý do hành vi giết vợ của bị cáo có động cơ đê hèn và tính chất côn đồ.
Trước vành móng ngựa, Huỳnh bật khóc: “Bị cáo đã tìm mọi cách kéo vợ về với gia đình nhưng vợ không nghe, lại có thái độ bỏ mặc, coi thường bị cáo. Khi cầm dao giết vợ, bị cáo không còn biết gì nữa...”.
Nỗi đau của Huỳnh nhân lên khi tấn bi kịch lại đổ lên đầu mẹ già và hai con thơ của bị cáo. Con gái chết, con rể để lại cháu nhỏ cho bà L., mẹ nạn nhân K.H phải cáng đáng. Có mặt tại Toà, ánh mắt bà L. luôn nhạt nhoà nước mắt, bà xin Toà giảm án cho người con rể trong một phút mù quáng mà sa vòng lao lý.
Bà cho biết đã phải rao bán căn nhà nhỏ để trả nợ cho vợ chồng Huỳnh nhưng do căn nhà xảy ra án mạng, bị nhiều người chê nên không mua. Không hiểu bà L. có lo được cho các cháu của mình hay không vì bà đã ở độ tuổi gần đất xa trời, sức khoẻ như đèn treo trước gió. Chứng kiến cảnh bà dắt hai cháu nhỏ ra Toà, nhiều người không cầm được nước mắt thương cảm.
Nói lời sau cùng, Huỳnh xin HĐXX cho bị cáo một cơ hội để sửa chữa sai lầm, bị cáo hứa sẽ cải tạo tốt để làm lại cuộc đời. Sau khi cân nhắc kỹ càng trước mức án tử hình mà Viện kiểm sát đề nghị, cuối cùng Toà quyết định giữ nguyên mức án tù chung thân. Trong buổi chiều bóng xế, Huỳnh liêu xiêu lên chiếc xe bịt kín lao nhanh ra khỏi khuôn viên Toà án, để lại một người mẹ già và hai đứa con thơ. Không biết tương lai hai cháu bé sẽ ra sao khi hằng đêm hình ảnh cha giết mẹ lại hiện về ám ảnh?