Chuyên gia dinh dưỡng và sinh lý học thể dục Vicki Vieira-Potter cùng cộng sự phân chia một số chuột non có khả năng bị béo phì cao thành 3 nhóm, nhằm khảo sát tác động của sự vận động thể chất lên chức năng chuyển hóa và mô mỡ của chúng. Cả 3 nhóm đều được cho ăn nhiều chất béo nhưng một nhóm có điều kiện vận động thường xuyên trên bánh xe quay. Hai nhóm kia có một nhóm được cho ăn thỏa thích thực phẩm béo giống như nhóm chuột được cho vận động trong khi nhóm còn lại bị hạn chế một phần để đối chiếu tác dụng giữa chế độ ăn kiêng với vận động thể chất trong mục đích giảm cân. Sau vài tuần, họ nhận thấy chuột được ăn uống thỏa thích và không được cho vận động bị béo phì, trong khi thể trọng của 2 nhóm chuột còn lại không tăng cao quá đáng. Điều đáng lưu ý trong đo lường chi tiết là chuột vận động có sự trao đổi chất trong cơ thể lành mạnh hơn cũng như vi khuẩn đường ruột phát triển đa dạng hơn so với 2 nhóm chuột không được cho vận động.
Nhóm nghiên cứu kết luận: “Phát hiện này khẳng định rằng thể dục là yếu tố quan trọng cho sức khỏe tổng thể và đặc biệt quan trọng để chống béo phì, nhất là lúc còn trẻ”.