Tâm phục, khẩu phục
Một anh chồng là nhà thơ đã kể lại rằng, anh đã từng rất ngưỡng mộ vợ mình chỉ vì cô ấy đã ghen không thể chê vào đâu được. Anh nhà thơ vỗn dĩ rất đào hoa và cũng hay ngả nghiêng trước những cô gái xinh đẹp.
Có lần, anh đã mượn tạm lời của cụ Nguyễn Du để gửi tạm mấy dòng thơ cho một ai đó rồi trót bỏ quên trong túi áo sơ mi: "Vô đề là ý thơ tôi/ Gửi cho người ấy để rồi mà đi/ Người ơi gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không?".
Anh còn hỉ hả kể với tôi rằng, khi vợ anh giặt áo cho chồng, vô tình phát hiện thấy bài thơ lạ, chắc là cũng có bối rối, chắc là cũng có ghen tuông nhưng nàng chẳng nói câu gì, chỉ viết thêm vào đó bốn dòng đáp trả rồi lẳng lặng cất vào túi áo chồng: "Vô đề là ý thơ anh/ Vô tư em đọc nên đành họa theo/ Vô tình gây nỗi trớ trêu/ Vô duyên người ấy có nhiều không anh?".
Anh chồng lặng người khi đọc được "lời nhắn" ấy. Cách cư xử của nàng thật thấu đáo, không ầm ĩ, chua chát mà sao cứ khiến anh phải tâm phục, khẩu phục và "điều chỉnh" lại trái tim.
Không làm ầm ĩ
Một chị bạn tôi kể lại: Lần phát hiện ra chồng cặp bồ, chị đã cảm thấy sốc và bị choáng váng. Tuy nhiên, chị đã giữ được bình tĩnh để không "đại náo" và làm loạn trước mặt chồng. Chị tự nhìn lại mình, kiểm điểm bản thân để tìm ra những nguyên nhân khiến chồng "chán cơm" mà "thèm phở".
Thay đổi về hình thức với xu hướng tích cực hơn, trông chị trẻ ra hẳn so với người phụ nữ luộm thuộm trước kia. Chị quan tâm tới chồng, tới cả những công việc của anh ấy chứ không tỏ vẻ thờ ơ, lạnh nhạt vì mải bận rộn với bao việc của gia đình, với cả những đứa con...
Bỗng nhiên được bà xã hỏi thăm, chia sẻ và động viên về mặt tinh thần, ông xã của chị chợt nhận ra rằng, mình cần phải sống có trách nhiệm với gia đình, với vợ và các con hơn là việc hẹn hò, cặp kè với những người phụ nữ khác. Cách ghen âm thầm ấy đã giúp chị chiến thắng đối thủ một cách nhẹ nhàng nhưng cũng đầy thuyết phục. Quan trọng hơn, chính ông xã đã tự nguyện trở về với chị, với tổ ấm thân thương của hai người.
Ván cờ lật ngược
Thực tế, các ông chồng dễ cảm thấy bị "khuất phục" trước thái độ ghen "đẹp" của vợ. Theo như lời tâm sự của một quý ông, bản thân nam giới là những kẻ rất... hiếu thắng và cũng đầy tính sĩ diện. Một khi lòng tự trọng bị tổn thương cũng chính là lúc họ mất đi tình cảm vốn được thắt chặt bao năm qua với người phụ nữ được coi là bạn đời của họ. Rõ ràng, hành động "ăn chả, ăn nem" của họ là sai và không được khích lệ.
Tuy nhiên, sự ghen tuông hồ đồ của những người vợ đã khiến cho các ông chồng cảm thấy bất mãn và vô tình thương cảm hơn với cô nhân tình mà họ không nghĩ rằng sẽ bỏ cả gia đình để gắn bó với người đó. Ghen tuông quá đáng sẽ giết chết tình yêu và càng làm cho những người chồng cảm thấy "chán cơm, thèm phở" và tin rằng, hành động "ngoại tình" của họ là có thể chấp nhận được vì họ không thể chịu đựng được vợ mình thêm một ngày nào nữa. Ván cờ bị lật ngược, kẻ đúng bỗng thành sai, kẻ sai lại thành đúng.
Dẫu biết rằng biểu hiện của tình yêu là sự ghen tuông, nhưng cách ghen quá đáng, bốc đồng của một số người vợ đã thể hiện sự thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí trong cách cư xử rất đời thường.