Thời gian yêu nhau, Duyên có cả đám vệ tinh vây quanh nhưng Nam cũng “kệ”. Chính vẻ dửng dưng của anh lại hút hồn Duyên. Đến khi kết hôn, Duyên mới thấy, có chồng không biết ghen thật "nhạt".
Thậm chí, mẹ đẻ của Duyên có lần ghé tai con gái thì thầm: “Mẹ thấy nó chẳng ghen gì. Hay là nó không yêu con?”, khiến Duyên phải suy nghĩ đến rơi nước mắt.
Quyết thử chồng, Duyên chọn một tối cuối tuần, diện váy ngắn, trang điểm đẹp rồi bí mật ra ngoài. Vừa đi, Duyên vừa “liếc xéo” chồng (đang mải mê xem phim) để thăm dò phản ứng mà Nam vẫn “bình chân như vại”, không một lời thắc mắc với vợ. Ức quá, Duyên dạo phố một vòng rồi trở về nhà, thế mà vẫn thấy mắt chồng không rời khỏi tivi.
Ảnh minh họa.
Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng sở hữu anh chồng “thờ ơ với vợ đẹp” như thế. Có lần, Phương tìm cách “khích bác” chồng: “Chỗ em có nhân viên mới nhé. Anh này cứ khen em xinh, rồi mời em đi ăn cơm nữa”. Đáp lại thái độ “khiêu chiến” của vợ, Hiển – chồng Phương mỉm cười hiền lành: “Em sướng nhé. Ở cơ quan anh cũng có vài nữ nhân viên nên được các anh yêu thương như em gái”. Phương chỉ còn biết lắc đầu với anh chồng “vô tư thái quá” của mình.
Cũng có những lần khác, Phương cố tình vờ lén nhắn tin vào lúc đêm khuya hoặc mỗi lần có điện thoại, cô cố ý chạy ra ngoài nhận điện, cốt để chồng tò mò. Màn kịch của Phương cũng chẳng làm Hiển bận tâm. Sau nhiều lần 'thân làm khổ đời', Phương lớn tiếng: “Anh có còn yêu em nữa không? Hay anh chê em già, em xấu mà bây giờ, em làm gì anh cũng không một lời hỏi thăm”. Hiển thì chỉ tỉnh queo: “Vợ chồng tin nhau là chính chứ”.
Ghen và không ghen: Nguy hiểm ngang nhau
Có yêu thì mới có ghen nhưng không phải ghen lúc nào cũng là yêu và ngược lại. Có khi, những cơn ghen chỉ xuất phát từ lòng ích kỷ cá nhân. Hoặc do vợ/chồng không còn tin yêu vào người bạn đời.
Thông thường, những lúc tình yêu còn mãnh liệt (như hồi tán tỉnh nhau) thì người đàn ông dễ bùng phát cơn ghen nhất. Sau này, tình yêu giảm dần đi thì những cơn ghen cũng thưa thớt hoặc bộc lộ dưới dạng tự ái, theo kiểu: “Em thích ngoại tình thì cứ việc. Anh không việc gì phải giữ”.
Ở một khía cạnh khác, sự ghen tuông cũng do bản chất của từng người chồng. Có anh nóng nảy, mắc bệnh “đa nghi như Tào Tháo” thì vợ diện một chiếc áo đẹp cũng ghen; vợ nghe một cuộc điện thoại, cũng ghen. Không cần biết đúng - sai. Chồng sẵn sàng kết luận vợ ngoại tình và gây rạn nứt hạnh phúc. Còn người vợ bị oan sẽ trở nên phẫn nộ, oán ghét chồng. Lúc đó, ghen không còn là yêu mà là phá hoại tình yêu.
Với mẫu chồng hiền lành, tin cậy vợ thì khả năng ghen hạn chế. Anh ấy cho rằng, vợ mình dù làm việc gì cũng có nguyên nhân chính đáng nên không cần tra hỏi. Anh ấy cho rằng vợ mình yêu và chung thủy với chồng nên không thể có chuyện ngoại tình sau lưng. Nhưng người vợ lại tự suy luận cho rằng chồng hết ghen nên mới hết yêu. Nguy hiểm hơn, người vợ nảy sinh suy nghĩ: “Mình không còn đẹp, không còn hấp dẫn nữa nên chồng mới chán” hoặc “Mình bị chồng bỏ rơi” khiến cho tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ một cách không cần thiết.
Hơn ai hết, vợ là người hiểu tính chồng nhất. Bản thân người vợ nên xem xét các dấu hiệu tình yêu của chồng hàng ngày, thay vì cố tình dàn dựng những vở kịch ghen tuông rồi buồn vì điều đó.
Tất nhiên, làm vợ, ai cũng muốn bản thân được chồng coi như “vật quý”. Nếu chồng biết ghen hợp lý thì không còn gì hạnh phúc bằng nhưng nếu chồng không ghen thì vợ cũng không nên quá buồn phiền.