Nhà tôi thuộc loại có tiếng nề nếp, gia giáo ở quê. Cả anh Hai, chị Ba, chị Tư đều theo nghề giáo của ba má. Tôi cũng vậy. Và chính ở môi trường đó, tôi đã gặp Quân. Anh là người có kinh nghiệm trong nghề, là giáo viên giỏi của trường nên trong mắt tôi, anh chính là tấm gương để mình học hỏi, noi theo. Không ngờ từ sự cảm phục ban đầu, tôi đã đem lòng yêu người đàn ông đó lúc nào không hay.
Khi tiếng xì xầm lan ra, anh Hai gọi tôi về. Mới đầu anh la mắng, sau đó là năn nỉ. Điệp khúc ấy lặp đi lặp lại nhưng tôi không thể nào nghe theo lời anh. Cho đến ngày vợ Quân tìm gặp tôi. Chị không mắng chửi, đánh đập mà tôi đau từng thớ thịt. Chị vừa khóc, vừa nói: “Chị biết anh Quân không thương chị. Anh ấy lấy chị để trả ơn gia đình chị đã cưu mang khi trước. Nhưng bây giờ chị với ảnh đã có con cái, ảnh lại là người có uy tín trong xã hội. Chị không muốn ảnh bị liên lụy…”.
Nhưng điều đó cũng không ngăn được trái tim chúng tôi tìm đến với nhau. Anh lại tìm đến nhà trọ, lại ngồi hằng giờ chỉ để nhìn tôi rồi lặng lẽ ra về. Hình như lần nào anh cũng khóc.
Cuối cùng tôi đành chấp nhận phương án của anh Hai đưa ra. Đó là năm 1988. Tôi đồng ý theo mấy người quen đi vượt biên. Trước chuyến đi sống chết ấy, tôi đã cho Quân tất cả với suy nghĩ, chẳng còn gì để mất.
Sau này mấy chị bạn kể lại, khi nghe tin tôi đi, anh đã gần như phát điên. Rồi anh đổ bệnh, phải nghỉ dạy cả năm trời. Anh còn đến nhà để “quậy” anh Hai tôi đến nỗi anh phải mời công an đến đuổi về.
Nhưng đó là chuyện sau này khi về nước tôi mới được nghe kể lại. Tôi ở đảo gần 2 năm trước khi đi định cư. Điều đáng nói là tôi đã mang theo giọt máu của anh trong người. Tôi sinh bé Hoài Hương trên đảo trong sự đùm bọc của một người đàn ông cùng cảnh ngộ bơ vơ nơi đất khách quê người: Vợ anh đã mất tích trên biển trong một chuyến vượt biên bất thành trước đó. Anh đã hết lòng chăm lo cho mẹ con tôi và xem Hoài Hương như con đẻ của mình.
Sang đến Canada, 5 năm sau chúng tôi kết hôn. Tôi thật sự đã bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Cho đến khi má tôi bệnh nặng vào năm 1999, tôi về thăm lần đầu tiên sau hơn 10 năm xa cách.
Cuối cùng tôi đành thú thật mọi chuyện. Và rắc rối cũng phát sinh từ đó. Chị bạn tôi không kín miệng, kín mồm nên đã để lộ với Quân chuyện đứa nhỏ. Anh giờ đã nghỉ hưu, sức khỏe kém nên nghe tin thì hoàn toàn suy sụp. Anh tìm gặp anh Hai tôi van xin được nhìn con. Nhưng anh Hai tôi vẫn chắc dạ: “Chuyện gì qua rồi thì để nó qua, đừng khơi lên nữa mà làm khổ nhiều người”.
Tôi cũng định vậy, không ngờ chính anh đã nói rõ với vợ mọi chuyện. Và cũng chính vợ anh đã tìm đến nhà để xin anh Hai chấp nhận cho Quân nhìn con. “Nhà tôi bây giờ yếu lắm. Sau trận tai biến vừa rồi thì sức khỏe lại càng tệ hơn. Tôi không đành lòng nhìn ảnh như vậy. Anh đừng ngại tôi và tụi nhỏ bên nhà… Giờ già hết rồi, còn gì đâu nữa mà ghen? Nếu ghen tuông thì trước đây tôi đã làm lớn chuyện…”.
Nhìn cảnh ấy, đến người chắc dạ như anh Hai tôi mà cũng phải mềm lòng. Anh đành gọi điện cho tôi: “Anh thấy tội quá, thôi thì mọi chuyện tùy cô. Nếu không cho con Hoài Hương nhìn cha, lỡ sau này có gì thì ân hận em à…”.
Nhưng tôi còn chồng, còn những đứa con khác. Và điều tôi lo nhất là Hoài Hương. Chắc gì nó sẽ chấp nhận một người cha khác bởi tình cảm nó đã dành trọn vẹn cho người cha hiện tại đã cưu mang mẹ con nó từ những ngày khốn khó ở đảo mà nó không hề nghi ngờ gì về việc nó không phải là con đẻ của anh.
Mới tuần rồi, anh Hai lại gọi điện. Rồi chị bạn thân của tôi cũng gọi. Mọi người bảo sức khỏe của Quân đã tuột dốc không phanh và cầu xin tôi đưa Hoài Hương về thăm cha nó một lần.
Tôi thật sự không biết phải làm gì bây giờ…