(NLĐO)- Em đưa bạn trai về ra mắt gia đình, ba mẹ và các anh ai cũng vui mừng, làm tiệc thết đãi linh đình. Em nghĩ vậy là rất ổn rồi. Không ngờ đến khi rượu ngà ngà, một ông anh họ ghé tai em nói nhỏ: “Sao cô út mày không hỏi ý kiến mấy anh? Thằng đó trụi lủi; vừa yếu, vừa xui, mần ăn gì?”.
Em ngớ người ra không hiểu, mãi sau này mấy ông anh mới giải thích: Bạn trai em trắng trẻo thư sinh, lúc ở trần, mặc quần đùi xuống mương bắt cá thì lộ ra cái “bo đì” ốm tong teo, lại… trụi lủi chớ không rậm rạp như các anh. Mấy ổng nói, người như bạn trai em chỉ nhìn thôi, không cần thử cũng biết là yếu xìu, mỗi tuần không trả bài nổi một lần! Hơn nữa, ông bà mình rất “kỵ” những người ít lông, tóc vì không đem lại may mắn trong cuộc sống.
Em không dám nói với bạn trai em sợ ảnh buồn, nhưng thật lòng em cũng thắc mắc. Em dò hỏi nhiều chị đã có gia đình thì ai cũng bảo bản lĩnh đàn ông tỉ lệ thuận với số lượng râu, tóc, lông trên người. Anh nào càng “rậm rạp” thì càng khỏe, chuyện chăn gối càng mạnh mẽ. Còn chuyện có “xui” hay không thì chưa thể kết luận.
Nếu đúng như vậy thì người yêu em chắc chắn là yếu sinh lý rồi vì anh ấy trụi lủi, chẳng có nhiều râu, tóc, lông tay chân như người ta… Có thể xức các loại thuốc làm mọc râu, tóc hoặc chích các loại nội tiết tố để cải thiện “bản lĩnh đàn ông” của những người vốn ít lông, tóc hay không?
mailinh…@gmail.com
Bạn thân mến,
Về mặt cảm quan, đúng là khi nhìn một người đàn ông râu ria hầm hố, lông tóc rậm rạp thì xem chừng như có vẻ là người ấy tạo cho ta cảm giác rất mạnh mẽ. Từ cảm giác đó sẽ dẫn đến sự liên tưởng là “chuyện kia” cũng mạnh mẽ.
Ngược lại, nhìn mấy anh trắng trẻo thư sinh, mỏng như lá lúa lại “trụi lủi” như cách nói của mấy ông anh bạn thì dễ có cảm nghĩ là “bản lĩnh đàn ông” cũng mỏng manh, dễ vỡ. Tất nhiên, đã ốm thì chuyện kia cũng sẽ… yếu.
Đây là cách suy luận theo kiểu “trông mặt mà bắt hình dong”, chỉ dựa vào cảm quan chứ không phải là kết luận khoa học. Râu nhiều hay ít; lông dài hay ngắn, rậm hay thưa… là do nguồn gen quy định. Các chủng tộc người khác nhau thì râu, tóc, lông cũng không giống nhau.
Nếu nói như mấy ông anh của bạn thì chẳng lẽ mấy anh Ả rập râu ria xồm xoàm thì đều mạnh mẽ, giỏi giang chuyện chăn gối cả sao? Không có đâu, trong số họ cũng có người vầy người khác; người mạnh, người yếu.
Tương tự là mấy anh Âu, Mỹ có lông, tóc xum xuê nhưng xứ ấy cũng là thị trường béo bở của… viagra. Như vậy xem ra râu, tóc, lông chẳng quyết định chuyện mạnh hay yếu, giỏi hay dở trong phạm trù “giường chiếu”.
Có điều chắc chắn là nếu lông nhiều thì… lỗ chân lông cũng nhiều; như vậy thì bài tiết sẽ tốt hơn nên có cảm giác khỏe hơn. Tuy nhiên, quá nhiều lông, nhất là ở những nơi thuộc… “vùng sâu, vùng xa” thì cũng rất bất tiện vì nếu không vệ sinh, chăm sóc tốt có thể gây ra những phiền phức rất khó nói. Khi đó, biết đâu người ta lại ước mình… trụi lủi cho khỏe. Bạn không thấy bây giờ dịch vụ “làm sạch lông” nở rộ như nấm sau mưa đó sao? Rất nhiều phụ nữ, thậm chí cả đàn ông cũng trở thành khách hàng thân thiết của dịch vụ ấy.
Tóm lại, lông chân, lông tay, lông ngực, lông nách hay lông gì gì khác không liên quan tới chuyện đàn ông mạnh hay yếu ở trên giường. Chuyện ấy khỏe hay yếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Sức khỏe vật chất và tinh thần tốt, có kinh nghiệm, kỹ năng, tất nhiên là có cả yếu tố tình cảm trong đó.
Còn chuyện “trụi lủi” có phải là nguyên nhân của những sự xui rủi hay không còn phụ thuộc vào… cách ăn ở. Nếu bạn trụi lủi nhưng là người nghiêm túc, đàng hoàng, sống có đạo đức thì chỉ có thể tích phúc cho mình, cho người thân chứ làm sao mà xui xẻo cho được?
Tốt nhất là chỉ nên xem lời của ông anh là câu nói đùa lúc đã ngà ngà hơi men. Nhớ là đừng có nói lại cho người yêu biết, anh ấy buồn, có khi lại tự ái thì hư việc. Yêu nhau cốt ở hiểu nhau, tính tình phù hợp, có cùng mục đích sống chứ không chỉ là làm chuyện ấy trên giường giỏi hay dở.
Bạn cũng chẳng cần phải xức hay tiêm các loại thuốc hay kích thích tố, nội tiết tố gì đó cho tốn tiền. Không có lẽ bây giờ khi nghe người ta bảo anh ấy… trụi lủi thì bạn hết yêu hay sao? Xưa nay anh ấy vốn đã như vậy mà bạn vẫn yêu, vẫn chọn lựa thì lấy gì khẳng định là khi anh ấy có nhiều lông hơn, râu tóc nhiều hơn thì tình yêu của bạn dành cho anh ấy cũng tăng lên? Như vậy thì người cần phải “cải tạo” chính là bạn chứ không phải anh ấy.