Sau một đợt điều trị tiểu đường, tôi gặp vài trục trặc trong quan hệ với bà xã. Trước đây, mỗi tuần chúng tôi gần gũi đôi ba lần, mỗi lần chừng 30 phút tính từ khi khai mạc đến khi kết thúc. Còn bây giờ thì có khi cả tuần tôi chẳng mần được trận nào ra hồn vì thằng nhóc cứ mềm oặt hay nếu có lên đó thì lại xuống đó.
Bà xã tôi đi hỏi han bạn bè, về bày cho tôi một bài tập “kéo căng” thằng nhóc. Cô ấy động viên tôi phải tập luyện thường xuyên thì mới khỏe mạnh, dẻo dai, hồi phục sức lực. Hôm nào tôi lười không tập thì bà xã tự ý “túm đầu” thằng nhóc bắt đứng lên ngồi xuống, quay phải, quay trái… đúng 15 phút mới cho nghỉ.
Thú thật là trước kia mỗi khi bà xã đụng đến là tôi thấy máu nóng rừng rực dâng trao; còn bây giờ do trong người không khỏe nên tôi vẫn lạnh tanh, chẳng còn ham hố chuyện gì, ăn ngủ đều kém. Lúc trước tôi 65 ký, nay chỉ còn 58 ký.
Với bệnh tình của mình, tôi biết sẽ phải uống thuốc suốt đời. Điều đó cũng có nghĩa là tôi sẽ phải sống chung với… bất lực suốt đời. Như vậy thì cuộc sống còn gì vui vẻ đâu mà ân ái, gần gũi?
Năm nay tôi mới 42 tuổi, phía trước là những tháng ngày dài dằng dặc, đôi lúc đôi thấy thật nặng nề. Tôi lo bà xã tôi còn trẻ (cô ấy mới 35 tuổi), nếu bắt cô ấy phải kiêng khem thì rất tội nghiệp. Có cách gì giúp tôi phục hồi khả năng của thằng nhóc để nó có thể chiến đấu coi… được được một chút không?
quanghung…@gmail.com
Bạn thân mến,
Tiểu đường là một trong những căn bệnh thời đại với tỉ lệ người mắc bệnh khá cao. Nó là hậu quả của lối sống, ăn uống và một phần do di truyền. Hiện nay hầu hết thuốc điều trị tiểu đường đều có tác dụng phụ mà một trong những tác dụng phụ rõ rệt nhất là làm rối loạn cương nơi các anh.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mọi việc đã vô phương cứu chữa. Nhiều người uống thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường, tim mạch… đã lựa chọn cách “sống chung với lũ”, quên đi bệnh tật thì tự nhiên thằng nhóc lại khỏe hẳn, lại ham hố, lại tả xông hữu đột như người khỏe mạnh bình thường.
Điều đó cho thấy bi quan sẽ làm cho bệnh nhẹ thành nặng, bệnh nặng thành… hết thuốc chữa. Ngược lại, nếu lạc quan vui sống thì mọi thứ sẽ nhẹ tợ lông hồng. Vấn đề của bạn hiện nay là bên cạnh tác dụng phụ của thuốc thì việc quá căng thẳng về tâm lý, lo sợ bệnh tật cũng góp phần không nhỏ làm cho thằng nhóc liệt luôn!
Vậy thì cách tốt nhất là phải suy nghĩ lạc quan về cuộc sống, làm sao cho tinh thần thư thái, đừng lo nghĩ quá về chuyện sống chết bởi ở đời có ai thoát được điều đó đâu mà lo?
Điều phải làm ngay là nên ăn uống, sinh hoạt điều độ, chú ý ăn nhiều rau xanh hoặc các loại rau củ có lợi cho đường huyết. Nên tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp… Cố gắng sao cho ăn biết ngon miệng, ngủ biết ngon giấc, cân nặng được phục hồi như trước. Điều đó ngoài việc cho thấy sức khỏe được cải thiện mà còn làm cho bạn thấy phấn chấn, tự tin, vui vẻ, yêu đời hơn.
Về bài tập thể dục cho thằng nhóc của bà xã bạn thì nghe hơi.. ngộ ngộ; trước nay chẳng thấy sách vở, tài liệu nghiên cứu nào đề cập đến việc này. Nếu có chăng thì đó là một phần trong “khúc dạo đầu” của các chị dành cho các anh hoặc là biện pháp tình thế khi các anh không thể tác chiến bằng cách thông thường (không có đối tác hoặc đối tác “bận việc” đột xuất).
Nhưng nói gì thì nói, thằng nhóc coi vậy chứ cũng thuộc loại “hàng dễ vỡ”. Nếu mạnh tay quá nó bị bầm dập, tổn thương thì nguy. Nói với bà xã của bạn trêu chọc chút chút cho vui thì được chớ ngày nào cũng hành hạ nó đúng 15 phút thì coi chừng lợi bất cập hại, có ngày nó… đứng dậy không nổi thì cô ấy sẽ khóc bằng tiếng ngoại quốc luôn!
Về phần bạn, không thích thì thôi chớ tập luyện mà chẳng có kết quả gì thì xem như phương pháp đã bị… phá sản. Như tôi đã nói ở trên, điều quan trọng là đừng quá nặng nề về bệnh tật, hãy chấp nhận sống chung với nó, làm bầu bạn với nó và làm đúng theo chỉ định của thầy thuốc để chế ngự nó chứ đừng suốt ngày nghĩ nó là kẻ thù không đội trời chung rồi loay hoay tìm cách… tiêu diệt nó thì tinh thần sẽ rất căng thẳng. Một khi tinh thần căng thẳng thì còn tâm trí đâu để làm việc và hưởng thụ cuộc sống?
Chúc bạn sớm “quẳng gánh lo đi”.