Chẳng qua là nhà tôi bữa nay bị "mất mạng", nhà mạng vẫn đang sửa chữa, nên tất cả đều cùng tập trung vào cái tivi để giải trí.
Tất nhiên, đây là chuyện hiếm có nhưng thôi thì có còn hơn không vậy. Biết làm sao đây? Tôi đành cam chịu bất lực về chuyện mỗi người trong nhà tôi "ôm" một cái máy - người thì điện thoại, người thì máy tính và máy tính bảng - điều đó đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong gia đình tôi từ lâu rồi.
Được gọi là nội tướng nhưng đến giờ tôi không biết làm gì để cải thiện tình hình, để lôi kéo chồng con cùng sinh hoạt chung với nhau mỗi khi về nhà. Thú thực, tôi rất chán nản mỗi khi nhìn thấy chồng con tìm một góc riêng rồi bấm bấm, quẹt quẹt trên máy. Thậm chí khi ngồi ăn cơm mà con tôi còn chat chit với bạn, nói mãi nó mới bớt chút đỉnh.
Ảnh minh họa
Tôi không thể phủ nhận những thiết bị công nghệ hiện đại giúp cuộc sống con người trở nên tiện nghi hơn, cũng như chúng giúp con người kết nối với nhau dễ dàng hơn. Thế nhưng, có lẽ không ai không biết mặt trái của hiện tượng này là khiến người ta bị phụ thuộc vào chúng, thậm chí có những người... nghiện công nghệ.
Nói đâu xa, chồng con tôi có vẻ như đang nghiện công nghệ rồi đấy thôi. Hơn nữa, tôi còn lo rằng họ sẽ có lúc sống trong thế giới ảo nhiều hơn là trong đời thực. Tôi thầm nghĩ tôi có nhiệm vụ lôi kéo chồng con tôi ra khỏi thế giới ảo của công nghệ bởi lâu dần những người thân yêu của tôi sẽ trở thành những kẻ lạm dụng công nghệ. Lúc đó, tình thế còn khó khăn hơn bây giờ.
Rõ ràng, chồng tôi đã dành hầu hết thời gian ở nhà để online, nên còn thời gian đâu để giúp tôi làm việc nhà. Anh có lúc đã buột miệng nói anh bị thiếu ngủ và mệt mỏi vì hôm trước lên mạng quá nhiều. Còn các con tôi, tôi cũng lo rằng đến một lúc nào đó chúng sẽ trốn học hoặc đi học muộn chỉ vì sự quyến rũ của game hoặc mạng xã hội.
Không những vậy, tôi còn lo sợ các con tôi và cả chồng tôi nữa sẽ bị chứng rối loạn tâm thần vì mê online quá độ. Đâu phải tôi không nói với chồng và các con tôi về những tác hại trước mắt và lâu dài của chứng nghiện internet đâu. Tôi lặp đi lặp lại những điều đó đến độ chồng tôi bảo sao tôi bất ngờ đổi tính, đâm ra nói nhiều như thế; còn các con tôi phản ứng tiêu cực hơn bằng cách đeo headphone hoặc trốn vào phòng.
Thế là tôi bỗng dưng trở nên cô đơn giữa một gia đình đề huề chồng con. Chồng con tôi mỗi người có một thế giới riêng của họ dù sống chung một mái nhà. Không chỉ sức khỏe của chồng con tôi bị ảnh hưởng xấu mà tôi còn cảm thấy hạnh phúc gia đình bị đe dọa nghiêm trọng nếu như tình hình không được cải thiện.
Tôi tự cảm nhận rằng chỉ có tôi mới có thể giúp họ cân bằng giữa cuộc sống thực tại và thế giới ảo. Đó thực sự là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong cuộc đời làm vợ và làm mẹ của tôi giữ thời đại công nghệ phát triển này. Tuy nhiên, nó cũng cực kỳ khó khăn, không dễ một sớm một chiều có thể gặt hái kết quả.