Riêng củi đun đã ra chuyện. Thứ nấu bánh Tết, thứ rang nổ, không quên dành những phần củi bén lửa nhất để chụm trong mấy ngày Tết, nhất là sáng mùng một, thời khắc tinh khiết và linh thiêng nhất một năm, để “tránh xui xẻo quanh năm”. Lá chuối gói bánh tét, bánh chưng cũng được dợm từ rất sớm, sau bão lụt thêm một lần “đặt hàng” lại. Bởi bão lụt cỡ năm Thìn 1964 nhà cửa còn cuốn theo nước dữ thì còn đâu mà bánh với trái! Mọi thứ được “trí” lại đâu vào đấy. Nhà có sẵn nếp thì khỏi nói, còn không, lại phải loay hoay: nếp nào gói bánh tét bánh chưng, nếp nào rang nổ làm bánh in, nếp nào dành đổ bánh tổ, nếp nào dành nấu xôi đường hay xôi cúng? Có khi phải chuẩn bị từ hồi... gieo mạ! Đám ruộng nào cấy lúa, đám nào cấy nếp? Và với số nếp ấy, bán bao nhiêu và để lại dành “ăn Tết” bao nhiêu. Đâu phải vào đấy mới an tâm.
Làng tôi ở ven sông, giáp ranh của ba xã thuộc ba huyện, vừa cận giang vừa cận sơn, cận hải nên có vẻ như cái gì cũng pha một tí phong tục mỗi nơi. Thích thì thích thật nhưng quả là rắc rối cho cái sự sắm sanh cho Xuân nhựt. Cái sự cúng kiếng cực kỳ thiêng liêng phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Năm nay cúng gà hay đầu heo? Gà, thì sẽ “quy hoạch” từ nhà mình ra bà con tới chòm xóm xem được bao nhiêu. Còn “đầu heo”? Một đầu heo được tính bằng một con heo (thời ấy không ai bán đầu heo riêng như bây giờ), vì vậy chỉ năm nào làm ăn khấm khá hoặc “có chuyện” mới làm heo được. Còn không, tất thảy phải quy ra gà. Mà năm này cúng đầu heo thì năm sau thế nào? Liệu có “sức” để tiếp tục cúng hay không? Mà nghỉ nửa chừng thì rất không nên, kỵ lắm.
Cũng vì còn quá khổ cực nên mọi thứ dồn hết vào Tết. Nhiều thứ phải chuẩn bị từ tháng giêng. Như là ang lúa, thúng nếp, lứa heo, bầy gà... để sắm sanh quần áo mới cho tụi tôi. Năm nào sang thì có được nhành mai, là năm nhà cửa sáng bừng bởi sắc vàng của mai, chí ít cũng được một lọ hoa, khi thì cắm trên lọ lớn, có năm chỉ là bình hoa nhỏ nhưng phải giữ cho đủ mấy ngày Tết. Hoa luôn là yêu cầu bức thiết, do đó năm nào khấm khá thì đi mấy ngày lựa cho được hoa đẹp về cắm “cho đã con mắt” nhưng thường là khi nào chuẩn bị xong mọi thứ trong nhà mới tới lúc mua hoa. Từ chiều ba mươi bắt đầu rủ nhau đi lượn các điểm bày bán hoa. Không phải lựa hoa đẹp mà lựa... hoa rẻ! Chủ yếu là ngắm. Cả ngắm hoa đẹp lẫn ngắm người, giữa rừng hoa có ối người đẹp mà! Có năm mua về giữa đường đã nghe pháo giao thừa lẹt đẹt nổ rồi.
Người ta luôn nhắc đến việc ngồi canh nồi bánh tét trong (những đêm trước và) giao thừa. Những đêm cuối đông rét mướt lại được ngồi sưởi ấm bên ngọn lửa nồng vừa canh nồi bánh chưng thì còn gì ấm cúng hơn? Vì thế, sau này dù đã khá đầy đủ, nhà tôi vẫn cố duy trì cái lệ nấu bánh tét chờ đón giao thừa, nếu mỗi năm cứ bỏ đi một ít có lẽ rồi chẳng còn gì.
Mùng một Tết, mọi thứ trở nên hết sức trịnh trọng. Trịnh trọng và nhàn nhã. Như cái cách ba tôi ngồi trước tách trà bốc khói thơm lựng, trên tay điếu thuốc rê chánh hiệu Cẩm Lệ cháy đỏ rực... Cúng giao thừa, cúng hành khiển xong, thấy mọi thứ như mới hẳn ra. Sau khâu lì xì năm mới, mỗi thành viên trong nhà sẽ theo kế hoạch riêng của mình. Tránh “đạp đất” nhà người ta, sợ cái “vía” nặng khiến công việc nhà người ta không thông trong năm mới. Có năm trời làm mưa bụi trong cái se lạnh giữa ngày tinh khôi nhất của đất trời càng thấy ngày Tết ý nghĩa vô cùng...