Mứt chùm ruột
Hồi còn nhỏ xíu, mỗi khi cây chùm ruột sau nhà ra hoa là tôi mừng thầm vì mình sắp được ăn Tết. Kể cũng lạ, cây chùm ruột trổ bông ra trái là thời tiết cũng sắp vào xuân. Ngày ấy, tôi cứ háo hức chờ Tết đến vì được sắm quần áo, giầy dép mới, được đi chơi xuân với bạn bè...
Gia đình tôi có 6 chị em và tôi là con gái út trong nhà. Từ nhỏ, tôi đã mê ăn đồ chua. Mỗi khi chùm ruột ra trái là tôi canh me hái mấy trái non đem vào nhà dùng chày đập dập dập, trộn với mắm đường và ớt là ăn quên thôi. Hồi đó, tôi thường gọi chùm ruột trộn mắm đường là món ăn ngon nhất hành tinh vì thời đó, làm gì có bánh kẹo như bây giờ. Ngoài mấy loại trái cây trong vườn như mận, ổi chúng tôi chỉ biết quanh quẩn với mấy trái cóc, chùm ruột, xoài non...
Khi tôi lên 12 tuổi, cũng vì mê món chùm ruột non trộn mắm đường mà tôi phải nhập viện cấp cứu vì chứng đau bao tử cấp. Sau lần ấy, ba má cấm không cho tôi ăn chùm ruột xanh nữa. Mùa xuân năm đó, đứng dưới gốc chùm ruột xum xuê trái mà không được ăn, tôi thèm muốn chảy nước dãi. Thấy tôi đứng ngẩn ngơ, chị Hai đến bên tôi bảo: “Chị làm mứt cho em ăn nha, đừng ăn chùm ruột xanh nữa, hại bao tử lắm”.
Chùm ruột xanh
Ngày đó, nhà tôi đâu có tủ lạnh như bây giờ nên để làm được mứt chùm ruột, chị Hai phải lựa từng trái chùm ruột chín vàng đều, rồi dùng hai tấm thớt cho chùm ruột vào chính giữa chà cho đến khi chùm ruột dập. Sau đó, chị vắt bỏ nước chua, xả lại nhiều lần với nước sạch. Mỗi khi thấy bàn tay của chị nhăn nheo vì cái chất chua tiết ra từ chùm ruột, tôi thấy thương chị nhiều lắm. Tôi đến bên chị thủ thỉ: ‘Hai ơi, Hai đừng làm mứt chùm ruột nữa, em không thèm nữa đâu”. Chị cười, ôm tôi vào lòng đáp: “Lát tay chị khô sẽ hết thôi em à”.
Không hiểu sao mỗi lần ăn mứt chùm ruột của chị làm tôi đều thấy ngon vô cùng. Mứt của chị làm trái nào trái nấy căng bóng, đỏ au mặc dù không để màu, còn thịt chùm ruột thì dai và có độ chua như ý. Mỗi khi tôi khen, chị nói tôi khéo nịnh. Rồi chị chỉ tôi cách làm mứt: “Muốn mứt ngon, sau khi chà chùm ruột xong, em lấy chén, giữ lại phần nước chua từ chùm ruột. Sau đó, em cho chùm ruột đã chà vào nước, xả lại nhiều lần, vắt cho thật sạch chất chua thì khi sên, thịt chùm ruột không bị bở. Cứ mỗi ký mứt, em ướp vào 700 - 800 gram đường, chờ cho đường tan, thấm vào chùm ruột mới đem đi sên. Trong lúc sên mứt, nên để lửa riu riu cho chùm ruột chuyển từ màu xanh sang màu nâu là trút chén nước chua lúc nãy vào. Tiếp tục sên cho đến khi chùm ruột chuyển sang màu đỏ, nước khô lại là chùm ruột đạt yêu cầu”.
Mứt chùm ruột
Từ ngày nhà tôi có tủ lạnh, chị không phải vất vả chà chùm ruột như trước mà chỉ cần cho chùm ruột vào tủ 2 ngày là lấy ra vắt bỏ nước chua và xả lại. Đôi tay chị cũng không bị nhăn nheo như ngày xưa nên chị lại có dịp làm nhiều mứt chùm ruột cho cả nhà.
Cho đến tận bây giờ, mỗi khi Tết đến, chị vẫn ưu tiên làm cho tôi hũ mứt chùm ruột như thuở nào. Tết năm nay, do bận nhiều việc, tôi chưa kịp về quê thì chị liền gọi điện bảo: “Chị làm mứt chùm ruột cho em rồi, về nhà ăn nha em. Chị cũng chừa cho em một hũ để mang lên Sài Gòn, chứ mứt ở trên đó không an toàn như nhà mình làm đâu”.
Tôi thấy thương chị nhiều lắm. Chị đã vì tôi, vì cả gia đình mà không ngại khó khăn, vất vả làm những món ăn ngon, an toàn cho sức khỏe cả nhà. Tôi nghe trong lòng vui rộn rã vì ở quê nhà có người luôn trông ngóng, chờ đón tôi về.
Mứt chùm ruột ngọt ngọt, chua chua