Anh hai gọi điện giục: “Cô dẫn mấy đứa nhỏ về sớm sớm một chút để còn coi tát mương ăn Tết. Năm nay anh tát tới 3, 4 cái mương lận, tụi nó bắt cá đã đời luôn”. Tôi nghe vậy thì bắt đầu nôn trong ruột, ráng làm cho xong công chuyện để về.
Hồi trước cha tôi chất mấy đống chà dưới sông, Tết đến là dỡ chà ăn tết. Sau này ủy ban xã cấm vì chất chà làm cản trở giao thông, do vậy mà bẳng đi một thời gian dài, anh em tôi mất đi cái thú vui nôn nao chờ dỡ chà ăn Tết. May mắn là mấy năm nay, nhờ anh hai vét mương, chất chà rồi đặt ống bộng cho nước ra vô nên tôm cá tụ hội về, chị em tôi cũng tụ hội về ăn Tết với má đông đủ đúng vào những ngày tát mương. Chỉ có mấy cái mương mà Tết nào cũng có tôm cá ăn phủ phê, ăn không hết thì rộng lại để dành ăn dần trong mấy ngày Tết.
Tôi nhớ năm đầu tiên anh hai tát mương, cả đêm tôi nôn nao không ngủ được. 4 giờ sáng, anh hai và mấy đứa cháu dậy tháo nước; đến sáng thì nước đã cạn, chỉ còn lại cái vũng nhỏ có chất chà ở giữa mương. Khi mọi người bắt đầu dỡ chà bỏ qua một bên thì lũ tôm cá bị động nhảy đùng đùng. Mấy con tôm càng búng tanh tách, cá lóc phóng vù vù; cá mè vinh, thác lác, cá rô, cá sặc… ngoi ngóp thở...
Mấy thứ cá sống dai như cá lóc, cá trê, cá rô, chị dâu tôi cho vào cái lu mái đầm để rộng. Mỗi sáng lại thay nước, cứ vậy cá có thể sống đến cả tuần lễ. Còn tôm càng, khi vớt lên, tôi thấy anh hai lựa mấy con còn khỏe cho vô cần xé, may bít miệng lại rồi neo ở chỗ nước chảy. Làm như vậy, tôm cũng sống được mấy ngày.
Mấy thứ cá hủn hỉn khác thì nhiều vô kể. Tôi nhớ hồi nhỏ, cá này má tôi hay bằm nhuyễn xong quết với hành, tiêu, nước mắm nhĩ rồi dồn khổ qua, làm chả chiên, nấu canh chua… Nếu vẫn ăn không hết thì má tôi phơi khô để dành ăn khi ra ngoài ngày. Cá sặc, cá linh, lòng tong, cá chốt… cả rổ xúc, má quậy nước muối ngâm một lát rồi trãi ra nia để phơi. Ra Giêng, lúc dư âm thịt cá vẫn còn ngầy ngật ngán thì bữa cơm với canh rau nấu tép và dĩa khô chiên trở thành cao lương mỹ vị.
Má tôi không giống người ta, có đồ ngon không bán mà để hết cho chồng con ăn. Má nói bình thường không có tiền để mua, giờ có thì ăn chớ bán thì bao nhiêu cho đủ. Tôi nhớ hồi nhỏ, mỗi lần dỡ chà, má lại lựa những con tôm càng bự nhất để dành cho cha.
Tôm kho tàu và tôm nướng trộn rau răm là 2 món mà cha tôi thích nhất. Cho đến giờ, ngày giỗ cha hoặc ngày Tết, bao giờ má tôi cũng làm 2 món đó. Tôm càng má tôi lột vỏ, nặn gạch để riêng; sau đó bắc nồi đất lên bếp chờ nóng, cho chút dầu vô, thả gạch tôm vào cho chảy ra. Khi gạch tôm đã tan chảy hết thành một thứ nước sền sệt màu đỏ tươi, má tôi cho nước mắm ngon vào, thêm chút nước dừa tươi, bột ngọt, chút đường đun sôi lên rồi gắp từng con tôm cho vào. Má để lửa riu riu, trong suốt thời gian kho chỉ trở bề 1 lần.
Con tôm kho tàu của má tôi nằm cong vòng, đỏ au trong nồi. Khỏi phải nói nó ngon như thế nào nhưng tôi mê nhất là cái nước kho tôm sền sệt, vừa béo, vừa thơm, vừa ngọt. Chỉ cần chan một muỗng là có thể ăn hết một chén cơm. Cái nước ấy mà chấm rau luộc thì càng tuyệt vời…
Bây giờ thì chị dâu tôi đã được má truyền lại bí quyết để làm mấy món ăn mà ngày xưa chồng, con má thích. Cái bí quyết lớn nhất mà má dặn đi dặn lại con dâu và mấy đứa con gái là nấu cái gì cũng phải chú tâm; phải nêm nếm, canh lửa củi cho vừa; tuyệt đối không được làm quấy quá cho xong… Có như vậy thì người phụ nữ mới giữ được chồng.
Chị em tôi đã lớn, lấy chồng rồi đi làm ăn xa nhưng vẫn thèm được về nhà hít thở không gian của má. Những đêm giáp Tết như thế này được về nhà, nằm trên bộ ván ngựa đã lên nước đen bóng, lăn qua trở lại nghe gió lao xao trên hàng nhãn trước sân, nghe tiếng cá trong lu quẫy đùng đùng rồi thấy má lom khom soi đèn để chị dâu bắt mấy con cá sần mình trong lu ra mần thịt… luôn làm cho tôi bồi hồi, xao xuyến. Tôi gọi những thứ ấy là tình tự quê hương, là hơi hám của nơi chôn nhau cắt rốn mà những đứa con xa luôn đau đáu trong lòng…