Ảnh minh họa
"Mẹ ơi, hôm nay con đã thuộc lời bài hát mới và con hát rất hay, mẹ nghe con hát nha!", con trai thứ hai 5 tuổi của tôi nói.
Tôi ngồi xuống bên cạnh con, ôm bé vào lòng để nghe con hát. Một nụ cười rạng rỡ lấp lánh trên khuôn mặt và bé bắt đầu hát. Tuy nhiên, bé liên tục hát sai nhịp, sai lời. Nụ cười của bé cũng dần biến mất và thay vào đó là vẻ căng thẳng xuất hiện trên khuôn mặt non nớt của con. Tôi có đôi chút thất vọng, vì bài hát rất dễ mà bé hát sai. Và dĩ nhiên tôi không muốn tiếp tục ngồi để lắng nghe con hát nữa, trước khi rời đi, tôi nói: "Bài hát khá đơn giản, rất dễ, vậy mà con cũng không thuộc". Tôi cũng không ngờ những lời trách móc của tôi đã làm con bị tổn thương, con bỏ về phòng ngay sau đó. Đến bữa cơm, bé ăn rất ít và có biểu hiện rất buồn.
Ảnh minh họa
Sau sự việc này tôi cũng nhận ra rằng muốn con tự tin hơn, tôi cần động viên bé nhiều hơn. Thay vì chê bai con, tôi cần nói những câu đại loại như: "Con hát rất hay nhưng sẽ hay hơn nếu con thuộc lời" hoặc "Hai mẹ con mình cùng hát lại lời bài hát này nhé!". Làm như vậy là bạn đang cố gắng động viên và khuyến khích bé vượt qua mọi khó khăn, làm cho con giảm bớt áp lực, tự tin hơn.
Nhiều bậc phụ huynh luôn áp đặt suy nghĩ của mình trong việc dạy con mà không hề nghĩ đến cảm xúc của các bé và đôi khi lại có cách hành xử không đúng làm con bị tổn thương, khiến trẻ thiếu tự tin vào bản thân. Thay vì chê trách, la mắng con, phụ huynh cần động viên, an ủi để bé luôn vui vẻ, gần gũi với cha mẹ và cũng không ngại bày tỏ quan điểm của mình trước mọi vấn đề.