Một góc Biển Hồ với bức tượng Quán Âm Bồ Tát nằm trên dải đất kéo dài tới giữa lòng hồ. Ảnh: Phan Nguyên
Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 7 km, Biển Hồ có làn nước xanh quanh năm, được ví như viên ngọc của đại ngàn Trường Sơn. Biển Hồ gần như không bao giờ cạn, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.
Danh thắng Biển Hồ, thuộc quần thể Khu Du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ - Chư Đăng Ya, có một dải đất chạy dài đến giữa lòng hồ mang đến cho du khách tầm nhìn toàn cảnh, với rừng thông xanh mát hai bên lối đi.
Trên dải đất ra lòng hồ là công trình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá cẩm thạch trắng, cao 15m, trở thành nơi du lịch tâm linh của phố núi. Ảnh: Kiều Dương. |
Một phần diện tích mặt hồ nằm về phía tây thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, được phân cách bởi con đập tràn và chiếc cầu treo gần khu du lịch. |
"Biển Hồ với mây núi trời soi bóng nước mang đến cho tôi cảm giác yên bình lạ thường. Buổi sáng lênh đênh trên thuyền hít thở không khí trong lành, vươn vai nhìn ngắm công việc của những người ngư dân tại đây là trải nghiệm rất sảng khoái", nhiếp ảnh gia Phan Nguyên, hiện sinh sống tại Pleiku, cho biết.
Ngư dân thả lưới trên hồ lúc bình minh. Ảnh: Phan Nguyên. |
Biển Hồ phù hợp để tham quan quanh năm và có nhiều điều thú vị để du khách trải nghiệm. Gia Lai đang bước vào mùa khô, để lộ dần những dải đất bazan màu mỡ ven hồ và thu hút nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. |
Vào mùa mưa, nước dâng cao tạo sóng lớn vỗ bờ như ở biển. Đến những ngày se lạnh, sương mù bao phủ mặt hồ, bảng lảng trôi trên những hàng thông. Tới khi thời tiết chuyển từ mùa mưa sang mùa khô cũng là lúc những khóm hoa dã quỳ vàng rực khoe sắc bên hồ.
Theo các tài liệu lịch sử, địa lý, hồ T’Nưng chính là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm trước. T’Nưng trong tiếng của dân tộc Jrai có nghĩa là "biển trên núi". Bên cạnh đó, sự rộng lớn của hồ nước này tựa như biển khơi nên người dân địa phương đã đặt tên là Biển Hồ.