Ăn mì tôm cả tuần vẫn đủ dinh dưỡng, không ngán. Nấu ăn bằng lò vi sóng 5-10 phút… Những kỹ năng tưởng chỉ khi đi du học mới cần nay được mang ra áp dụng ở ký túc xá hay phòng trọ, trong giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt, đồ ăn không thể giao.
Các cô cậu vốn coi chuyện nấu nướng là việc của các bà mẹ chứ thanh niên 4.0 muốn ăn gì chỉ cần lướt app giờ sẽ sống sao? Lỗi là của chúng ta, những người mẹ, khi thường ngày vì lý do bận rộn nên quên cho con vào bếp?
Ba tháng trước, tôi, chàng trai 27 tuổi đang làm trong lĩnh vực truyền thông, mỗi tối đều ủi quần áo thật phẳng để sáng hôm sau đi làm. Nay, chuyện đó đã được thay thế bằng "việc trọng đại hơn": suy nghĩ hôm sau sẽ nấu món gì?
Canh chua
Căn bếp nhỏ trong căn phòng chung cư nhỏ xinh những ngày này thơm phức mùi thức ăn, dễ khiến những chiếc bụng đói réo gọi. Mỗi bữa ăn của tôi đều đủ món mặn, rau xào hoặc salad, canh, kèm theo đĩa trái cây cắt gọt đẹp mắt.
Gần 10 năm sống ở Sài Gòn nhưng cái gốc miền Tây trong tôi chưa bao giờ thay đổi. Chỉ cần nếm món ăn tôi làm, ai cũng dễ dàng cảm nhận được vị ngọt rất đặc trưng. Ở nhà, lúc rảnh, tôi lại mày mò học thêm một số món ăn miền Bắc hoặc miền Trung.
Buổi "thực tập" nào cũng mướt mồ hôi vì cái nóng gắt gỏng của Sài Gòn cộng với sức nóng hầm hập của những nồi nước, chảo dầu bốc lên bao trùm căn bếp. Thế nhưng thành quả khiến tôi quên đi những mệt nhọc trước đó. Hầu như không món ăn nào có thể làm khó tôi.
Canh nghêu,bầu dồn thịt,tôm rim...
Ở quê tôi, đàn ông vào bếp thường không được ủng hộ. Nhà nào có đám tiệc, tụi con trai chủ yếu khiêng bàn ghế, dựng rạp… Đứa nào xớ rớ vào chuyện bếp núc đều bị đuổi ra.
Vậy nhưng với tôi, căn bếp có sức hấp dẫn kỳ lạ lắm. Tiếng xèo xèo của mỡ, tỏi phi, tiếng vá, chảo va vào nhau hay mùi thơm của từng loại rau củ, gia vị đều khiến tôi thích thú.
Cha mẹ tôi cũng khác so với nhiều người. Họ nghĩ việc con cái có thêm kỹ năng gì cũng đều quý, ít nhất để tự lo cho bản thân. Cha tôi cũng là tấm gương vì ông khá thạo chuyện nấu nướng.
Chừng chín, mười tuổi, tôi bắt đầu vào bếp phụ mẹ những chuyện lặt vặt, rồi được mẹ chỉ làm những món đơn giản. Bao nhiêu bí quyết thú vị đều từ nơi này mà ra.
Cá chiên,canh cải ngọt,táo tráng miệng....
Muốn nước dùng trong thì dùng củ cải trắng còn muốn ngọt lại phải thêm củ sắn. Nồi thịt kho ngày tết của nhà tôi lúc nào cũng đậm đà nhờ được phơi nắng, ướp đường, hành, tỏi, ớt đến khi mỡ thật trong mới đem đi kho.
Muốn thịt rim được ngon nên dùng nhiều muối, thay vì nước mắm… Khó nhất vẫn là những món dùng trong giỗ chạp nhiều nguyên liệu, các bước thực hiện khá phức tạp.
Ngày qua ngày, tất cả in vào tâm trí tôi một cách tự nhiên. Dù sao, lần đầu luôn khó khăn. Tôi từng thất bại không ít lần.
Thức ăn miền Tây thường được nêm nếm nhiều đường, nếu không gia giảm hợp lý, các món chiên, xào dễ bị khét.
Những món ăn của tác giả trong mùa giãn cách
Có lần, tôi làm cả mặt trứng chiên bị "đen như trời đánh" hoặc cũng có khi canh "mặn như kho cá". Cả gia đình đành nhặt nhạnh những gì còn ăn được để qua bữa. Mỗi lần như thế, ba mẹ chẳng những không phàn nàn mà còn động viên để đến nay tôi "tùy tiện" nêm nếm cũng ngon.
Căn bếp cũng là nơi dạy tôi sự thích nghi, linh hoạt. Canh chua lý tưởng nhất vẫn là me nhưng nếu không có thì thay bằng chanh, cơm mẻ, lá cóc non, giấm…
Muốn canh được ngọt thanh khi không có củ sắn thì thay bằng bắp non, nấm rơm. Để tẩy độ nhớt của lươn, cá kèo… có thể dùng muối, tro bếp, phèn chua. Với vị tanh của cá thì giấm, chanh, gừng, nước vo gạo đều được.
Bún Bò
Nhờ thế mà những ngày qua, khi không mua được nguyên liệu cần thiết, ưng ý, tôi vẫn không lúng túng.
Mùa dịch, nhiều người vẫn đang loay hoay vì hàng quán đóng cửa. Trong khi họ phải chập chững học nấu nướng hoặc làm bạn với mì gói, thức ăn đóng hộp… tôi vẫn tìm thấy niềm vui mỗi ngày trong căn bếp nhỏ.
Cảm ơn cha mẹ đã cho tôi vào bếp, đã không cằn nhằn mỗi lần phải ăn những món "trời ơi đất hỡi" của tôi.