Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em đang nghi ngờ chồng em có tiểu tam. Chuyện bắt đầu cách đây hơn hai tháng. Em thấy chồng đổi tính đổi nết, đi sớm về trễ, chăm chút quần áo, đặc biệt là rất siêng năng đánh giày và tự mình mua một lúc mấy đôi vớ (trước giờ chỉ có em đi mua vớ cho ảnh chứ ảnh chẳng bao giờ đi mua).
Em khen chồng dạo này rất tự giác: cắt tóc, tập thể dục, tự giặt đồ ủi đồ phụ vợ. Anh bảo đâu có gì, từ khi được thăng chức phó phòng, mới thấy việc lớn việc nhỏ gì cũng đều phải để mắt đến, nên biết phụ vợ nhiều hơn thôi.
Em kết bạn Facebook với mấy chị cùng chỗ làm của chồng, biết công ty đang có đợt nhận sinh viên thực tập. Các em sinh viên tươi xinh, trẻ trung rất thần tượng chồng em, mà chồng em cũng là sếp hướng dẫn tận tình nhất trong mấy sếp, nên lượng các em thực tập sinh hâm mộ ảnh khá đông.
Chị bạn bảo nói chuyện cho vui vậy thôi chứ không có gì đặc biệt đâu, em đừng lo. Nhưng làm sao không lo cho được, chồng em 36 tuổi, sự nghiệp đang phát triển, lỡ vướng vào mối quan hệ vớ vẩn nào đó có phải tiêu tan cả sự nghiệp và gia đình không.
Một anh sếp đẹp trai thành đạt trong con mắt một em nhân viên mới ra trường là một mục tiêu quá ngon. Vậy nên em tính mình phải ra tay sớm, chứng tỏ quyền lực của mình. Em nấu cơm trưa, ép chồng mang theo. Quần áo em giành ủi rồi treo sẵn mấy bộ đồ thường thường thôi, cất bớt áo quần đẹp. Em nhờ chồng chở đi làm, bữa nào anh nói trễ giờ em để anh chở tới công ty anh rồi em lấy xe anh đi làm.
Em gửi đăng hình em, hình con lên Facebook của anh, viết lời nhắc chồng ăn cơm, đón con, đón vợ… thật tình cảm. Chị nghĩ em làm vậy có đúng không? Đã đủ chưa? Hay còn phải "mặn" thêm chút nữa?
Thạch Thảo (TP HCM)
Tôi lo anh lại ngã lòng trước các em thực tập sinh. Ảnh minh họa
Em Thạch Thảo thân mến,
Gia giảm chút hương vị cho đời sống hôn nhân thêm phong phú là chuyện tốt, nhưng liều lượng gia giảm thế nào thì phải thật tinh tế. Trong trường hợp lửa ghen đang cháy phừng phừng trong tâm can, người cầm hũ gia vị dễ mất kiểm soát, thêm mắm dặm muối quá đà, làm hỏng món ăn đã đành, còn có thể làm tổn thương người khác.
Vậy nên, điều đầu tiên là em cần bình tĩnh, xem xét đầy đủ, cân nhắc thông tin rồi mới đong đếm mọi chuyện, tìm ra cách "dự phòng" hiệu quả.
Một trong những tác dụng phụ của việc "ra tay khẳng định chủ quyền sớm" của em là khiến chồng em cảm thấy bị trói buộc, bị kiểm soát, thậm chí khó chịu vì vợ không tin tưởng, không tôn trọng chồng.
Ví dụ bình thường ở nhà với nhau vợ nói chuyện nhát gừng cụt lủn, vậy mà khi viết trên Facebook lại viết lời ngọt như mật, đọc vào là thấy ngay cảm giác vợ làm màu, giả dối, phản ứng tự nhiên là khó chịu.
Vậy nên, lời ngọt ngào, tình cảm quan tâm, chăm sóc với chồng phải xuất phát từ trong lòng, từ không gian sống thật của gia đình, chứ không nên chỉ là chuyện sống ảo trên Facebook.
Không ai cấm em đăng hình hạnh phúc của gia đình, không ai ngăn mình nói lời tình cảm nhưng hình ảnh ấy, tình cảm ấy phải xuất phát từ cuộc sống của em, từ hạnh phúc thật của em. Đừng chế ra những bức hình, những lời lẽ ấy như một thứ vũ khí, đôi khi mình sẽ bị thương vì chính những thứ đó, em à. Chưa nói đến việc mình cất bớt đồ đẹp, bắt chồng mặc đồ cũ đồ xấu cũng có thể bị coi như một cách "dìm hàng", ảnh hưởng đến hình ảnh của anh ấy.
Coi chừng, khi vụ ghen phòng ngừa này quá đà, một cô gái nào đó sẽ thấy cảm thương sếp tài năng, đẹp trai mà bị vợ quản thúc đến tội nghiệp. Lúc ấy thì lợi bất cập hại, phải không em?…
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Đoàn Giang (Q.Gò Vấp, TP.HCM): Cái gì của mình là của mình…
Sao bạn phải nhọc lòng như vậy? Tôi muốn nói với bạn rằng: "Đừng bao giờ đánh mất lòng kiêu hãnh!". Đành rằng con người khó tránh khỏi sự nghi ngờ và luôn muốn sở hữu những gì thuộc về mình, nhưng kiểu hành xử như của bạn vẫn luôn rất phổ biến.
Chồng tôi nhỏ hơn tôi bốn tuổi. Ai cũng khuyên tôi nên giữ chồng kẻo mất. Tôi chỉ nghĩ nếu hôn nhân mà lỏng lẻo đến vậy thì có mất đi mình cũng chẳng tiếc. Nên cứ thoải mái mà sống bạn ạ! Thay vì mải miết chạy theo giữ chồng, canh chừng, xét nét từng hành động, lời nói… tôi nghĩ bạn nên làm cho chồng bạn thấy được giá trị của gia đình.
Đó có thể là thói quen trò chuyện với chồng mỗi ngày về sự khỏe mạnh, đáng yêu, ngoan ngoãn của con; về giá trị của an vui đầm ấm. Đó cũng có thể là tạo sự thoải mái khi ở nhà; là con cái ngoan ngoãn thơm tho.
Hãy rủ chồng tham gia các hoạt động của cả nhà. Bạn cứ thong thả mà sống. Để chồng bạn thấy rằng, chỉ cần bản thân yếu lòng một chút, mất mát của anh ấy sẽ lớn hơn rất nhiều; rằng thật dại dột nếu đánh đổi chút niềm vui tức thời ngắn ngủi bên ngoài với hạnh phúc mà anh ấy đang có.
Kim Oanh (Q.8, TP HCM): Hãy giữ cho tâm an!
Tôi đang ở nhà chăm con, một cặp sinh đôi con trai 13 tháng, vợ chồng tôi bằng tuổi. Chồng tôi làm việc ở một công ty đa quốc gia. Anh đẹp trai phong độ, còn tôi đầu bù tóc rối.
Cũng như bạn, tôi từng lo âu và nghĩ đến việc giữ chồng. Tôi cũng đi tập thể dục, uốn tóc, chăm sóc da. Tôi cũng đưa hình gia đình lên mạng xã hội, cũng gọi điện cho chồng vào giờ trưa hỏi han này nọ.
Mấy tháng trời như vậy, tôi mệt rồi nghĩ tới nghĩ lui hay là mặc kệ, mà mặc kệ cũng không đành lòng. Chính tôi đôi khi cũng không biết mình nên làm gì cho đúng. Và rồi tôi tự nhủ thôi thì cứ thong thả mà sống. Quan trọng nhất là chính mình.
Tôi luyện tập thể dục, thiền, sao cho tâm an. Vừa rồi, tôi nhờ chồng chăm con rồi đi chơi hai ngày cùng hội bạn. Tối đó, qua điện thoại, anh bảo: "Giờ anh mới cảm thấy hết công sức của em. Em chơi cho vui vẻ nhé!"…
Vậy nên, bạn hãy để chồng bạn tự cảm nhận vai trò, ý nghĩa của bạn trong gia đình.
Ảnh minh họa