Bữa cơm chiều nay Thảo nấu bò kho, cô nghĩ chắc Dũng sẽ thích. Bé Bông lăng xăng phụ mẹ dọn chén bát. Thảo cảm động, con bé luôn ủng hộ cô từ việc lấy lòng ba nó bằng những món ăn yêu thích.
Trái với kỳ vọng của hai mẹ con, Dũng chỉ nhìn món bò kho lơ đễnh. Mới nửa chén cơm, Dũng buông đũa. Thảo rụt rè: "Bò kho ngon không anh?". Dũng gọn lỏn: "Được". Chữ "được" của chồng dập tắt sự háo hức và trông đợi của Thảo từ chiều.
Ảnh minh họa
Cô lấy Dũng hơn một năm mà không biết chồng thích ăn gì. Chứng kiến chồng vất vả kiếm tiền nhưng bữa cơm nào cũng trệu trạo như nhai rơm, Thảo rất xót dạ. Công việc của anh thế nào Thảo không dám hỏi, chỉ cố gắng chăm chút nhà sạch, cơm ngon, bé Bông thuộc bài… để chồng hài lòng.
Bữa trước tình cờ bé Bông nói: "Ba thích bò kho. Bữa nào mẹ Hương nấu bò kho ba cũng ăn hai chén cơm, còn thêm ổ bánh mì". Thảo mừng quýnh, lên mạng học nấu.
Thảo biết mình kém hơn chị Hương - mẹ bé Bông, nên luôn cố gắng nhón chân để chồng hài lòng. Giờ món bò kho của cô như vô hình với Dũng. Bé Bông an ủi: "Mẹ nấu vài lần chắc ba sẽ thích". Thảo ôm con vào lòng, xót xa với cách con bé thấp thỏm theo buồn vui của ba mẹ.
Tình yêu giữa Thảo và chồng được kết nối nhờ bé Bông.Thảo dạy lớp Một, lớp của Bông. Dạo đó Bông thường xuyên bị ba đón trễ. Ngày nào Thảo cũng ở lại với bé. Nhìn con bé ngóng ra đường bằng ánh mắt khoắc khoải, Thảo nhói lòng, ánh mắt không nên có ở đứa trẻ mới 6 tuổi.
Trời sụp tối Dũng mới đến. Anh ôm con vào lòng, rối rít xin lỗi. Anh nói bận quá, làm phiền cô… Cái cách anh ôm ghì lấy con và con bé úp mặt vào ngực cha khiến Thảo mủi lòng, tự hỏi không biết mẹ con bé đâu để con vạ vật thế này.
Rồi cũng đến ngày tự Dũng kể với cô sau nhiều lần cô ở lại với Bông sau giờ tan học. Dũng nói mẹ của Bông đã phản bội anh, đi theo người đàn ông khác. Bông vắng mẹ từ năm 4 tuổi.
Từ bữa đó, Thảo thương bé Bông thêm chút nữa, thương cả người đàn ông trông bản lĩnh ngời ngời lại yếu mềm khi thấy con rơm rớm nước mắt… Tan học, Thảo đưa Bông về nhà mình cho ăn, tắm rửa, dạy học bài. Con bé nhiều lần thỏ thẻ: "Cô Thảo làm mẹ con nha". Cô đỏ mặt ngượng ngùng.
Câu đó, chắc Bông nhiều lần nói với ba nên bữa Dũng mời cô đi chơi cùng hai cha con, anh nắm tay cô, tha thiết: "Em làm vợ anh nhé, cho bé Bông có mẹ, con bé yêu cô lắm". Thảo suýt phì cười, muốn hỏi "Chứ anh không yêu em à", nhưng cô đã không hỏi. Thảo tự biết tình yêu của Dũng chưa đủ nhiều, anh chỉ vì con.
Người ta làm mẹ kế rất sợ có khoảng cách với con riêng của chồng, Thảo có thừa lòng bao dung và yêu thương dành cho bé Bông nên cô tự tin bước qua mọi lời can ngăn, đồng ý làm vợ Dũng, bởi đã lỡ thương anh mất rồi.
Thảo luôn hy vọng tình yêu của chồng sẽ đầy sau hôn nhân, nhưng không, giữa cô và Dũng dường như có khoảng cách nào đó mà cô không cách nào xuyên qua hay phá vỡ.
Dũng kiệm lời, ít chia sẻ về công việc hay các mối quan hệ khác khiến Thảo hoang mang. Nhiều bữa, Dũng ngồi trầm tư ngoài ban công tới tận khuya. Thảo hỏi, anh nói không có gì.
Ảnh minh họa
Bữa nọ Thảo tình cờ nghe chồng nói chuyện điện thoại với dì út của bé Bông. Anh dặn: "Chị Hương em có khó khăn gì, cứ nói anh sẽ giúp. Cần tìm việc hoặc chuyển chỗ ở anh cũng sẵn sàng". Thảo tìm hiểu mới biết, chồng mới của chị Hương là người vũ phu, hay đánh chị ấy. Mấy lần chị ấy dọn về nhà ngoại rồi vẫn trở lại với chồng. Dũng dò biết sự việc nên anh trầm uất, không vui.
Thảo mất ngủ. Chồng sống có tình với vợ cũ không có gì đáng nói, nhưng anh nặng lòng thế này lại là chuyện khác. Chị ấy có gia đình mới, chồng can thiệp quá sâu khác gì là người thứ ba chen vào giữa họ. Và, Thảo ở đâu trong lòng anh?
Bữa Thảo cùng chồng đi dự tiệc. Lúc cô ở trong nhà vệ sinh, nghe hai người phụ nữ bên ngoài xì xào: "Cô vợ mới của anh Dũng không đẹp bằng vợ cũ", "Ừ, vợ cũ ngồi đâu anh Dũng cũng theo kè kè, không hờ hững như với cô vợ này"… Thảo choáng váng.
Nghe người khác gọi tên nỗi đau của mình, nỗi đau ấy dường như nhân lên gấp bội. Bất hạnh của cô lẽ nào lồ lộ đến nỗi người ngoài cũng nhìn thấu?
Cô bạn nhìn Thảo héo hắt thì thẳng thừng: "Mày có chồng đại gia mà cứ quê mùa vầy chồng không chê mới lạ". Bạn dắt Thảo tới nhà thiết kế danh tiếng đặt may hơn chục chiếc áo, đăng ký cho Thảo học lớp trang điểm với chuyên viên uy tín.
Bữa Thảo trang điểm, mặc chiếc đầm mới, Dũng nhìn cô lâu hơn, miệng cười tủm tỉm. Dũng đưa cô đi chào khách, giới thiệu nhiều bạn mới để cô làm quen. Lòng Thảo nở hoa…
Bữa Thảo mặc chiếc đầm màu cam. Dũng vừa nhìn qua đã giật mình, sầm mặt: "Dẹp cái áo đó, đừng bao giờ mặc nữa". Thảo ngơ ngác: "Áo đẹp mà anh". Dũng rít lên: "Anh bảo dẹp là dẹp".
Hôm sau, Thảo tiếc nuối xếp cất chiếc áo. Bé Bông chợt nói: "Mẹ con có rất nhiều đầm màu cam. Ba nói màu cam hợp với mẹ". Thảo sững sờ. Bí mật đằng sau màu cam Dũng ghét cay ghét đắng là đây. Chiếc áo vô tình gợi nhớ hình bóng người vợ cũ nên Dũng không muốn nhìn thấy, hoặc là không muốn Thảo mặc màu áo anh trót yêu?
Người ta hay nói còn đau là còn yêu, còn mong nhớ. Ngay cả món bò kho yêu thích, màu cam vợ cũ hay mặc... Dũng còn không dám đối diện, trông gì sự lãng quên?
Nhiều lần, Thảo muốn hét lên: "Anh còn yêu chị Hương nhiều vậy, sao lại cưới em?". Nhưng nhìn vẻ sầu khổ lầm lì của Dũng, cô nín lặng. Cô sợ vết thương cũ càng khơi lên càng tóe máu, cô sẽ đau hơn cả Dũng.
Làm tập hai của người ta, Thảo biết trước sẽ gặp những cảnh trái ngang, nhưng vào cuộc rồi mới thấy qua mỗi chặng đường, cô đổ không biết bao nhiêu nước mắt để tự chữa lành. Con đường khó khăn hơn cô nghĩ.
Thảo thăm dò ở bé Bông xem mẹ nó từng mặc gì, nấu món gì, làm tóc kiểu nào… để không trở thành bản sao của chị ấy. Ngày rộng tháng dài, Thảo phải tự mình làm nên món ăn chồng thích, tìm kiếm màu sắc hợp với mình để chồng yêu…
Đôi khi, Thảo tự hỏi bao giờ Dũng mới quên đi vết thương cũ để mở lòng với cô. Biết là lâu lắm, nhưng dù bao lâu Thảo cũng sẽ chờ.