Gặp lại cậu em nhân viên sau thời gian giãn cách, nhìn em gầy gò và suy sụp tinh thần, tôi ngạc nhiên và bất ngờ bởi xưa nay em là người rất tự tin. Hỏi thăm, mới hay người yêu cũ của em mới đi lấy chồng.
"Nhẽ ra phải mừng cho người cũ vì họ đã tìm được bến đỗ hạnh phúc chứ, phải không em?", tôi nói. Cậu em cúi mặt: "Chị nói đúng, nhưng em chưa văn minh như thế được. Bạn gái em lên xe hoa chỉ sau ba tháng chia tay em".
Em nói con gái ngày nay bạc bẽo và thay đổi quá nhanh. Mới ngày nào yêu còn thề non hẹn biển, nói chờ đợi và yêu anh hết kiếp này. Vậy mà, khi lời chia tay còn chưa ráo…
Tôi bật cười trước lời lẽ của em. Khi yêu, đang ngây ngất trong mật ngọt, ai chẳng nói được ngôn tình. Nhìn lại quá trình em và người con gái ấy yêu nhau, đừng trách sao cô ấy vội đi lấy chồng. Là vì cô ấy yêu và chờ đợi em cũng đã ba năm, hết lòng với em trong mối quan hệ này. Chỉ là em yêu "và cứ để đó". Cô ấy hết gợi ý bóng gió đến đề đạt thẳng thắn về chuyện cưới hỏi, nhưng em chỉ lừng khừng.
Em nói đàn ông trước ba mươi phải phấn đấu công danh sự nghiệp trước, chứ nhìn vợ con sống khổ cực em không chịu được.
Em nói em suy sụp vì bạn gái mới chia tay ba tháng đã đi lấy chồng (Ảnh mang tính minh họa)
Em nói đúng nhưng chưa đủ. Nếu yêu cô gái ấy thật lòng, em sẽ biết cách vừa dung hòa được công việc, vừa khiến cô ấy an tâm về một mái ấm tương lai. Em bắt cô ấy chờ đợi vô điều kiện, rồi đến khi em ngoài ba mươi, phấn đấu mệt nhoài rốt cuộc cũng chưa có gì trong tay thì sao?
Nếu dung hòa được, hãy kết hôn với người mình yêu rồi vừa xây dựng mái ấm gia đình, vừa phấn đấu trong công việc. Gia đình hạnh phúc là chất xúc tác khiến người đàn ông chạm tới thành công nhanh hơn. Còn nếu đã đủ đầy yếu tố ngoại cảnh rồi, em vẫn chưa chạm tới cột mốc nào đó mà em ấp ủ, thì đừng đổ lỗi tại việc lập gia đình sớm làm em bị "cản trở". Nghe vô lý và oan ức cho những người thân yêu của em. Hãy điều chỉnh lại ước vọng và khả năng bản thân, bình an chấp nhận mọi thứ và hài lòng với những gì mình có.
Cậu em vẫn chưa phục: "Chị chưa biết hoàn cảnh của gia đình em. Ba má em sinh và nuôi nấng em trong khổ cực. Để em tốt nghiệp đại học, họ đã gửi gắm vào đó nhiều hoài bão và ước vọng. Em không thể lập gia đình, chăm lo cho vợ con mà chưa kịp báo đáp ba má".
Tôi nói với em, rằng em cứ ưu tiên những gì em cho là hợp lý. Nhưng sao em không nghĩ rằng cả hai cùng chăm lo gia đình và cũng báo đáp hiếu nghĩa. Vậy thì khi hạnh phúc lứa đôi bị xếp phía sau, hãy để người con gái em yêu đi lấy chồng. Mọi diễn biến có thể là nhanh với em, nhưng thực ra với người con gái, họ đang đi đúng lộ trình khi đã tìm được người phù hợp hơn em mà thôi.