Kính gửi chị Hạnh Dung,
Tôi có ba đứa con, hai con gái một con trai. Gia đình tôi nuôi dạy con cái theo nền nếp ông bà để lại: không gian tham, không cờ bạc trộm cắp, sống lương thiện, tự thân lao động kiếm sống, không ỷ lại người khác. Chẳng biết duyên nợ làm sao mà con gái út của tôi lại lấy phải người chồng quá tệ, có đầy đủ các tật xấu kể trên.
Vợ chồng tôi ở miền Trung, con gái vào thành phố học rồi ở lại làm việc, lấy chồng ở miền Nam. Lúc đầu khi con dẫn cậu ta về nhà giới thiệu, tôi đã hơi ngờ ngợ, nhưng nghĩ thôi thì chúng yêu nhau, mình biết ra sao mà ngăn cản.
Hai năm sau ngày cưới, con gái tôi chỉ xin tiền cha mẹ trả nợ cho chồng chứ chưa gửi về một đồng gọi là phụng dưỡng. Mới đây tôi quyết định vô tận nơi coi thử vợ chồng nó sống sao, thì mới biết mọi chuyện.
Ảnh minh họa
Con rể tôi không có việc làm ổn định, lại ham cá độ, bài bạc, nợ nần khắp cả khu chung cư, may mà chưa đến nỗi bán nhà.
Con gái một mình đi làm lo cho cả hai vợ chồng, mỗi tuần chồng nó nhậu nhẹt rồi về hạch tiền vợ cũng hai ba lần, lần nào con bé cũng phải đưa tiền, không thì chồng nó đập phá tan hoang đồ đạc. Tôi ngờ là còn nhiều khoản nợ khác mà con gái giấu tôi.
Nhìn con tôi xót quá. Nhưng nói chuyện với con tôi không thể thay đổi suy nghĩ của con được. Con gái tôi yêu chồng đến mức mù quáng, lúc nào cũng giải thích anh ấy bỏ chỗ làm này vì lý do này, bỏ chỗ làm kia vì lý do khác, toàn là vì người ta không tạo điều kiện, người ta ác ý soi mói.
Theo như tôi thấy thì rể tôi chẳng có năng lực gì, lại lười biếng, nghiện cờ bạc, có mà trời cứu. Tôi muốn khuyên con gái tỉnh táo lại, không dạy được chồng thì ly hôn rồi kiếm người khác, đâu phải đã hết người.
Mỗi lần tôi nói, con gái lại khóc, bảo "mẹ không hiểu anh ấy". Tôi thì đi guốc trong bụng cái loại đàn ông chỉ biết ăn bám vào vợ như vậy, tôi phải nói sao thì con gái tôi mới tỉnh ra?
Hà My (TP.HCM)
Chị Hà My thân mến,
Cha mẹ thương con nhưng không sống giùm con được. Cuộc đời của ai, người đó vẫn phải sống chị ạ. Chuyện của con gái chị bây giờ cũng đã vượt ra khỏi tầm tay của chị rồi, càng cố bắt lấy, nắm lấy, chỉ làm chị mệt và làm con gái chị khổ thêm mà thôi.
Có lẽ, điều đầu tiên theo Hạnh Dung là chị cần chấp nhận thực tế. Thực tế về cậu con rể tệ bạc, một người đàn ông không nghề nghiệp, ham bài bạc, nợ nần, sống nhờ vợ, lại còn vũ phu. Nhưng chị cũng phải lắng nghe con gái để biết thêm những góc cạnh khác trong con người ấy, những góc mà có thể chị không thấy.
Mẹ con nói chuyện với nhau, từ đó chị cũng có thể giúp con gái chấp nhận thực tế về chồng cô ấy. Từ đó con chị mới có thể đi đến quyết định thay đổi nào đó, và quyết định ấy cũng phải là từ cô ấy đưa ra, chị ạ.
Thời gian vẫn đứng về phía chị. Tình yêu vốn mù quáng, nhưng thời gian sẽ chữa lành bệnh mù này. Chị cần thật kiên nhẫn. Con gái đã chịu áp lực từ một người chồng như vậy, bây giờ chị vội vàng quá có thể gây thêm áp lực khác lên con.
Điều đáng ngại nhất vẫn là tình trạng bạo lực mà con chị đang phải chịu. Chị hướng dẫn con cách tránh đòn roi của chồng, nhờ cậy sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, đừng để mình rơi vào cảnh chỉ có một mình, không biết kêu ai. Nếu cần thiết thì nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, của chính quyền.
Thời gian vào thăm con, chị tìm hiểu xem con có gì khó khăn mà giấu mẹ, và chị có thể giúp được gì không. Nhiều bà mẹ trong lúc bất bình đã vội vàng chỉ trích con gái mình dại dột, ngu ngốc, làm tôi mọi cho chồng…
Nói con như vậy chỉ càng đẩy con gái sang phía kia, đào sâu thêm hố ngăn cách giữa mẹ và con, đến lúc có chuyện gì con cũng không dễ quay về với mẹ vì lối về đã bị rào lấp cả. Thương con và cố gắng kiên nhẫn chị nhé!