Ngày lấy chồng, tôi nhớ như in lời dặn của mẹ: "Về bên đó sống tốt con nhé, mình tốt với mọi người, mọi người sẽ chân thành lại với con".
Sống tốt, lời nhắc ấy theo tôi suốt những năm tháng làm vợ, làm dâu rồi làm mẹ. Vốn là kiểu phụ nữ truyền thống, nên bao năm sống trong một gia đình ba thế hệ, tôi "chiều" được hầu hết mọi người. Đi làm về, việc nhà, chăm con, đến những việc lớn hơn trong nhà cần bàn tay sắp xếp của con dâu, đều đến tay tôi cả.
Tôi mệt phờ với những trách nhiệm, lúc nào cũng lo lắng không vừa lòng người nhà chồng - Ảnh minh họa
Từ những điều nho nhỏ ông nội chồng thích, ba mẹ chồng muốn ra sao, đến chồng cần những gì, tôi đều thuộc lòng. Tôi luôn nghĩ như mẹ mình: trao đi yêu thương, sẽ nhận lại những chân tình. Hơn nữa, đều chung một mái nhà, so đo làm gì khi tất cả đều là người thân. Mình làm vì tổ ấm, mình làm vì mình thương, tôi nghĩ đơn giản vậy thôi. Và cả gia đình chồng đều mặc nhiên coi điều đó là đương nhiên, là nghĩa vụ của người làm dâu.
Đến cả cô em chồng, mỗi cuối tuần đưa gia đình nhỏ về chơi, cũng ríu rít ngồi trên phòng khách với cha mẹ, đợi cơm chị dâu nấu. Tôi có phật ý cũng chỉ ngấm ngầm trong lòng. Những bực bõ đành nuốt vào trong, tặc lưỡi cho qua để sống: "Mình tốt với mọi người, mọi người sẽ tốt với mình".
Có lẽ tôi cứ hồn nhiên mãi như thế trong vai trò "sống tốt" nếu không có chuyện bạn thân ly hôn chồng. Bao năm bạn vất vả kề vai sát cánh cùng người đàn ông ấy, nhưng rồi khi khi dư dả của cải, sự nghiệp thành công, anh ta chọn một người phụ nữ trẻ, có nhan sắc và ruồng rẫy vợ.
Câu chuyện ly hôn của bạn trở nên phức tạp khi chuyện phân chia tài sản không dễ dàng. Hai người không đạt được thỏa thuận chung. Anh chồng từng là người đàn ông thương vợ, nay nhất quyết không chịu chia tài sản thành hai. Nhìn "cuộc chiến" phân chia tài sản của vợ chồng bạn, tôi giật mình.
Ngó lại bản thân, tôi đâu có gì ngoài hai đứa con được đứng chung tên trên giấy khai sinh với chồng? Đất đang ở ba mẹ chồng tôi đứng tên, ngôi nhà tôi góp sức để xây là tài sản trên đất của nhà chồng. Những tài sản có giá trị khác cũng không hề có tên tôi. Bao lâu nay tôi không để ý chuyện này, bởi chồng tôi thường nói: "Em biết làm gì cho mệt đầu". Mỗi tháng chồng đưa vừa tiền chi tiêu cho gia đình, cần gì anh sẽ đưa thêm.
Bạn nói tôi cần xem lại có phải chồng và gia đình chồng đang đề phòng tôi về kinh tế không? Bởi tại sao tôi lại không biết chút gì về tiền nong? Và tôi chột dạ.
Bạn nói cũng đúng, nếu vợ chồng tôi lỡ có chia tay, đường lui của tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Kinh tế không ổn, ra tòa ai cho tôi quyền nuôi con? Bạn tôi nhấn một câu khiến tôi lặng người: "Cuộc đời mà, ai biết trước ngày mai ra sao. Cậu nhìn mình đó".
Và tôi chua chát nhận ra, bao lâu nay tôi sống cũng đâu có vui. Tôi đoán ý mọi người để làm việc này việc nọ, tôi nhìn nét mặt của từng người trong gia đình chồng để sửa mình theo. Những lúc mệt mỏi, thay vì chiều chuộng bản thân nghỉ ngơi, tôi vẫn gồng lên để hoàn thành nhiệm vụ "sống tốt".
Bao lâu rồi, vợ chồng tôi không có một chuyến nghỉ ngơi riêng cho gia đình nhỏ. Bao lâu rồi sinh nhật chính mình, được bạn thân tổ chức cho vui cỡ nào, tôi cũng vẫn vội vàng về lo bữa cơm chiều cho cả nhà vì mẹ chồng không thích con dâu la cà ở ngoài.
Bao lâu rồi tôi cứ ưu tiên thứ tự nhà chồng trước, nhà cha mẹ mình sau? Tôi lẽo đẽo theo ba mẹ chồng đi thăm người họ hàng mắc bệnh, trong khi ba tôi đang nằm viện, vì ba chồng nói: "Đi một chút thôi, sang bên ngoại sau".
Tôi sống tốt hay là tôi nhu nhược?
Tôi bắt đầu ghé công ty chồng xem sơ sổ sách để nắm được chuyện làm ăn. Căn chung cư mua để cho thuê đứng tên công ty chồng, tôi bàn bán đi mua một khu đất gần khu công nghiệp để xây nhà trọ, và để tôi cùng đứng tên với anh.
Lương hàng tháng, tôi dành lại một chút cho mình, không dốc ra toàn bộ như trước đó đã từng. Chuyện đối nội, đối ngoại, tôi yêu cầu chồng cùng chia sẻ. Cũng may anh đồng ý, dù ban đầu rất ngạc nhiên.
Dần dần, tôi đã có một chút "dự phòng". Và tôi nhận ra đúng là trước đây tôi quá vô tâm, vô tư về kinh tế, tôi cứ nghĩ "của chồng công vợ". Nhưng tôi phân tích cho chồng hiểu: để tâm tới kinh tế, vừa là trách nhiệm chia sẻ cùng người bạn đời vừa là quyền lợi của một người vợ, người mẹ biết lo cho tương lai của mình và các con.
Chúng tôi đã "dám" đi chơi riêng - Ảnh minh họa
Tôi bắt đầu có những cơn "tụt huyết áp" bất chợt, chồng tôi thấy vợ không đủ sức khoẻ để chu toàn việc nhà như trước nữa. Và dù mẹ phản đối, nhưng anh vẫn quyết thuê người giúp việc theo giờ để chị ấy hỗ trợ tôi chăm sóc gia đình. Anh lí luận rằng: "Nếu cô ấy đổ bệnh, cả mẹ và con đều không thể lo tốt cho ông nội và hai đứa nhỏ tốt được".
Thi thoảng, tôi rủ chồng đưa các con "đi trốn" với một lí do nào đó hợp lí mà cả nhà không thể ngăn được. Sau gần mười năm hôn nhân, tôi đã có những giây phút thư giãn cho mình, cho hạnh phúc riêng.
Nếu không có lời cảnh tỉnh từ bạn thân, cùng bài học đắt giá từ cuộc chiến phân chia tài sản ấy, biết bao giờ tôi mới thay đổi được chính tôi?