Một báo cáo do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố gần đây cho thấy trọng lượng trung bình của người Mỹ tăng lên 6 kg kể từ năm 1994.
Trong khi đó, một nghiên cứu của tuần san y khoa Lancet xuất bản đầu năm nay cho biết sau khi phân tích khoảng 19 triệu người tham gia từ 1.968 nghiên cứu trước đó, một kết luận rút ra là tỉ lệ người mắc bệnh béo phì trên toàn cầu đã tăng gần 10% kể từ năm 1975. Sự gia tăng này còn liên quan tới vô số chứng bệnh nghiêm trọng như tiểu đường loại 2, bệnh tim và một số loại ung thư.
Tuy nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là chúng ta cần phải giảm cân! "Đừng đánh đồng chuyện giảm cân với việc có sức khỏe tốt" - trang Daily Beast (Mỹ) lưu ý.
Cũng đừng nghĩ rằng ăn kiêng và tập thể dục để giảm cân là một lựa chọn nên làm. Có rất nhiều người cho rằng nguyên nhân khiến con người béo phì là do lười biếng. Đây là một khẳng định hết sức ngây thơ khi bỏ qua các yếu tố tiến hóa, xã hội học, tâm sinh lý... ảnh hưởng tới quyết định vận động và ăn uống của con người.
Hình minh họa
Trước đây, con người tiến hóa trong một thế giới đòi hỏi rất nhiều hoạt động thể chất để có được thức ăn. Thế giới đó đã không còn tồn tại.
Ngày nay, con người có thể thoải mái hấp thụ năng lượng từ thức ăn mà chẳng cần phải động tay động chân gì nhiều. Chính sự nuông chiều này của môi trường sống dẫn đến tình trạng tăng cân toàn cầu. Thực sự là chúng ta bị thôi thúc nạp năng lượng nhiều hơn và sau đó lưu trữ nguồn năng lượng này. Đây chỉ đơn giản là một phản ứng tự nhiên đối với môi trường sống.
Nếu có khả năng gạt bỏ những thôi thúc trên, đó chắc chắn là điều đáng ngưỡng mộ nhưng không hề bình thường và cũng không nên trở thành tiêu chuẩn để đánh giá mỗi cá nhân. Khả năng ăn uống lành mạnh và tập thể dục đòi hỏi kiến thức, thời gian, tiền bạc và văn hóa để trở thành hoạt động bình thường trong cuộc sống. Đáng tiếc là không phải ai cũng sở hữu những điều xa xỉ trên.
Chưa hết, cho dù tất cả con người trên hành tinh này đều tập thể dục và ăn uống điều độ, vẫn sẽ có những người thừa cân và béo phì. Liệu điều này có nghĩa rằng họ là người xấu và vô trách nhiệm?
Cơ thể con người có nhiều thể trạng khác nhau. Nếu cứ tiếp tục phán xét đạo đức thông qua cân nặng, rất nhiều người sẽ bị tổn thương. Tệ hơn, có bằng chứng còn cho thấy sự kỳ thị cân nặng có thể dẫn tới tình trạng tăng cân.
Thay vì ra rả điệp khúc "giảm cân", hãy tập thói quen ăn uống lành mạnh. Hình minh họa
Bài viết này không có ý công kích việc tập thể dục hay ăn uống khoa học. Không ai có thể chối bỏ những lợi ích tuyệt vời có được từ hoạt động thể chất hay ăn uống điều độ. Nhưng như vậy không có nghĩa là phải cố giảm cân.
Riêng về chứng bệnh béo phì, chắc chắn phải giải quyết triệt để! Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần chú trọng vào việc thúc đẩy các thói quen lành mạnh hơn là yêu cầu họ giảm cân.
Sau đó, hãy xem xét hàng loạt các yếu tố môi trường và xã hội dẫn đến bệnh béo phì và thay đổi chúng, ví dụ như hệ thống thực phẩm toàn thức ăn chế biến sẵn, dù rẻ nhưng không có chút dinh dưỡng nào hay sự thiếu vắng những chương trình giáo dục về cách chăm sóc cơ thể... Ngoài ra, không thể không nhắc đến yếu tố quan trọng nhất: nghèo đói và bất bình đẳng xã hội.
Có rất nhiều cách để đảo ngược xu thế tăng cân trên toàn thế giới nhưng đầu tiên, hãy quên ngay đoạn điệp khúc mệt mỏi mang tên “giảm cân”.