Mọi người cùng nhau gói bánh không chỉ dâng cúng tổ tiên, để ăn trong những ngày Tết mà đây còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình cùng nhau sum họp trò chuyện, kể cho nhau nghe những chuyện đã trải qua trong năm cũ và cùng nhau chúc cho mọi người ai cũng đủ đầy hạnh phúc bình an trong năm mới. Hình ảnh mọi người quây quần cùng nhau gói bánh đã tô thắm thêm hương sắc cho ngày xuân của quê hương.
Vào những ngày cuối năm, dù có tất bật đến mấy hầu như nhà nào cũng dành thời gian cho việc gói bánh Tét. Ở vùng quê, đây được xem là một phong tục truyền thống. Mọi người cùng nhau gói bánh không chỉ dâng cúng tổ tiên, để ăn trong những ngày Tết mà đây còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình cùng nhau sum họp trò chuyện, kể cho nhau nghe những chuyện đã trải qua trong năm cũ và cùng nhau chúc cho mọi người ai cũng đủ đầy hạnh phúc bình an trong năm mới. Hình ảnh mọi người quây quần cùng nhau gói bánh đã tô thắm thêm hương sắc cho ngày xuân của quê hương.
Bánh tét - bánh Tết.
Trong phong tục của người quê tôi, bánh tét là một vật phẩm rất quan trọng để dâng cúng ông bà tổ tiên trong những ngày đón năm mới. Trên mâm cơm gia đình trong những ngày Tết không thể thiếu dĩa bánh tét mang hương nếp lan tỏa dẻo thơm. Hình ảnh quây quần gói bánh đã trở thành nét duyên quê bình dị, một nét lâu đời làm rạng ngời xuân.
Không khí Tết quê không nhộn nhịp, hiện đại như chốn thị thành nhưng lại đầy ắp tấm chân tình mọi người dành cho nhau. Đây là khoảnh khắc hạnh phúc trọn vẹn khi ba má, ông bà nhìn thấy con cái khỏe mạnh, bình an về quê đón Tết. Bánh tét ăn kèm với dưa kiệu thịt muối thì ngon khỏi chê.
Trong các loại bánh Tết thì công đoạn chuẩn bị gói bánh tét khá cầu kỳ, từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu. Bà với má luôn tất bật chuẩn bị đủ đầy tất cả mọi thứ chu toàn. Nếp gói bánh được chọn kỹ lưỡng sau đó đem vo sạch ngâm nước hơn năm tiếng đồng hồ mới vớt ra cho ráo. Má sai chị em tôi ra vườn hái nắm lá bù ngót rửa sạch giã nhuyễn vắt lấy nước rồi trộn cùng nếp cho một màu xanh mướt, bắt mắt vô cùng. Má thêm một chút muối rồi trộn đều lên cho bánh thêm đậm vị.
Đậu xanh ngâm, đãi vỏ bây giờ đã có đậu xanh nhân trần nên dễ dàng hơn, rửa sạch ngâm nước cũng chừng hơn hai tiếng đồng hồ thêm chút muối và tiêu xay vào trộn lên. Những tàu lá chuối được ba chặt hôm qua được phơi héo ngoài sân. Thằng ba được giao rọc lá chuối, thằng út lau lá chuối cho sạch. Chuẩn bị mọi thứ thì tối ăn cơm xong ba bật bóng đèn trước hiên trải chiếc chiếu ra mỗi người một việc.
Ba luôn là người gói bánh, má với chị em tôi chỉ phụ cột mà thôi. Ai nghĩ rằng đôi bàn tay chai sần thô ráp của ba lại khéo léo hơn nhưng người phụ nữ rất nhiều, nhanh chóng những chiếc bánh cứ thế thành hình. Vừa gói ba chỉ cho chị em tôi cột lạt: cột sao cho khéo không quá chặt cũng không được quá lỏng; cột quá chặt đòn bánh sẽ bị bể nếp không chín; cột lỏng quá thì bánh sẽ bị vào nước bở sẽ mất ngon. Nhớ lại những khoảnh khắc ấy sao sống mũi cay cay, yêu quá những giây phút sum họp cùng gia đình, cùng ngồi gói bánh để hàn huyên và hiểu hơn về giá trị truyền thống Tết cổ truyền.
Hình ảnh đòn bánh tét còn mang ý nghĩa rất thân thương: lá chuối bọc hết phần nếp và nhân như sự chở che của ba má dành cho những đứa con thể hiện sự thương yêu đùm bọc; lạt buộc quanh đòn bánh như thể hiện sự thắt chặt gắn kết đoàn viên. Tiếng cười nói rôm rả làm cho không khí Tết trở nên vui vẻ ấm cúng. Sau khi gói xong bánh được xếp rất đẹp vào nồi nấu bánh. Trời càng về khuya càng lạnh, sương giăng đầy ngõ nhưng trong nhà ấm áp lạ thường.
Bếp lửa được đặt bên hè, thèm được nghe tiếng tách tách của những thanh củi, được tranh nhau đổ nước vào thùng, được giành nhau những loại củ được vùi trong than hồng. Tôi cũng cùng má tranh thủ cho than nóng vào bàn ủi con gà để ủi đồ cho cả nhà. Những chiếc áo phẳng phiu chiếc quần loáng bóng được treo trên cây sào ở ngay giường cũng đủ để thấy sự đoàn viên ngày Tết có ý nghĩa như thế nào.
Lúc bánh chín chị em tôi đứa nào cũng hau háu mắt chờ những chiếc bánh bé xinh được ba gói tặng cho mỗi đứa. Bánh vớt ra ba lại thổ đều hai đầu bánh cho bánh khi cắt ra sẽ đẹp hơn. Sau đó ba đặt lên chiếc nong lớn để bánh ráo nước khô lá bên ngoài, để giữ bánh được lâu hơn. Gói bánh, nấu bánh, giữ bánh cũng là cả một nghệ thuật.
Những đòn bánh đã được dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên với tấm lòng thành để cầu mong cho ông bà tổ tiên cùng về vui đón Tết chứng giám cho gia đình cảnh sinh hoạt đoàn viên. Mâm cơm tất niên cũng không thiếu dĩa bánh tét, mọi thành viên thưởng thức với niềm vui rạng rỡ. Đòn bánh ấy đã làm nên hương vị sắc màu cho ngày xuân.
Trong những ngày xuân mọi thành viên cùng đoàn tụ sum vầy bên mâm cơm thật là ấm cúng. Được thưởng thức những lát bánh tét dẻo thơm thì mới có thể cảm nhận hết được giá trị và ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền từ đó càng trân quý hơn những ngày đoàn viên. Tết xa nhà là con nhớ những ký ức đẹp của những ngày giáp Tết.
Nhớ quá cái ánh lửa bập bùng, nhớ những lát bánh xanh mướt vàng ươm, nhớ sự tảo tần sớm hôm của ba má, nhớ hương vị xuân khi Tết chuẩn bị gần kề.