Cô Hạnh Dung ơi,
Cô ơi, lúc còn nhỏ, cháu luôn được ba mẹ khoe với mọi người là học giỏi và ngoan. Khi cháu lên cấp III, mẹ rất an tâm vì trong khi các bạn yêu đương, học hành sa sút, có bạn phải nghỉ học… cháu vẫn chăm chỉ học hành.
Nhưng bây giờ, khi đã học xong đại học, học xong thạc sĩ, cháu hết… ngoan đối với mẹ cháu. Sau hai năm đi làm, do để dành được một số tiền nên cháu quyết định học lên tiến sĩ. Mẹ cháu thở dài: "Thôi lấy vợ đi con rồi học tiếp. Học cả đời…".
Mẹ cháu đi ăn đám cưới con bạn bè hay bị hỏi chừng nào có con dâu. Mấy năm trước mẹ xua tay: "Con trai tôi còn lo học…" nhưng năm nay mẹ sốt ruột rồi. Bà hay hỏi cháu có người yêu chưa, cô gái chụp hình chung với con trên Facebook là bạn gái hả?
Bà nội cháu có ba người con, ai cũng sinh con gái, cháu là trai, là đích tôn. Chuyện cháu vẫn độc thân, bà nội không nói gì, ba cháu cũng không nói gì, chỉ mẹ hay thở dài…
Cháu mới 26 tuổi nên chưa muốn có vợ, nhưng mẹ nói chưa lập gia đình cũng được, mà phải có người yêu mới… bình thường.
Chẳng lẽ không yêu ai là cháu "bị gì đó" hả cô? Cháu phải làm sao để được coi là "bình thường"?
Cháu Bình Minh (TP HCM)
Mẹ nói chưa lập gia đình cũng được, mà phải có người yêu mới… bình thường. Ảnh minh họa
Cháu Bình Minh thân mến,
Đọc thư cháu, cô cứ nghĩ mãi thế nào là "bình thường"? Nếu ngày xưa việc tảo hôn là bình thường, thì ngày nay là bất thường, là phạm luật.
Nếu ngày xưa vợ chồng không yêu nhau vẫn con cái đầy nhà là bình thường, thì ngày nay là bất thường, là bất công với tình cảm. Nếu ngày nay gần 30 vẫn chưa chồng/chưa vợ là bình thường, thì ngày xưa có thể là bất thường…
Xã hội thay đổi nhanh, các tiêu chuẩn cũng thay đổi theo cho phù hợp, giờ ta dùng chữ "bình thường" hay "bất thường" cũng phải cẩn thận, không khéo thành lạc hậu.
Có lẽ ta cần định nghĩa hành xử "bình thường" là làm những gì mình thấy thích hợp với mình, không đi ngược với luật lệ, không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của ai, không xúc phạm tới cảm xúc của ai. Còn "bình thường" thế nào thì mỗi người mỗi vẻ, ta nên tôn trọng.
Mọi thứ thay đổi và đa chiều đến nỗi giờ đây, trước một vấn đề, nói xuôi nói ngược gì nghe cũng có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, tình cảm con người có một tiêu chuẩn "bình thường" duy nhất, đó là: thấy đáng yêu thì yêu, chưa thấy đáng yêu thì… chưa yêu. (Còn vì sao chưa thấy đối tượng nào "đáng yêu" thì mỗi người mỗi cảnh, chỉ mình người ấy biết).
Cô đoán rằng mẹ cháu muốn cháu yêu một cô gái, sau khi tìm hiểu thì nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái. Việc cháu chưa yêu cô nào khiến bà lo ngại về giới tính hoặc về tâm lý của cháu… Nhưng nỗi lo ấy của mẹ là bình thường, "trời sinh ra mẹ để lo lắng" mà.
Có lẽ cháu nên thông cảm với mẹ, chẳng nên tranh cãi làm gì, càng không nên nghe theo một số người mà dẫn một cô bạn về đóng kịch là bạn gái cho mẹ an tâm. Làm thế vừa không tôn trọng mẹ, vừa khiến cháu khổ vì những hỏi han thăm dò tiếp theo của mẹ.
Cháu hãy cứ là đứa con ngoan, vui vẻ, ham học và… chưa yêu ai nếu cháu chưa thấy yêu ai. Chúng ta thường sống trong kỳ vọng của người khác. Kỳ vọng là gì? Là nghĩ một việc gì đó phải diễn ra từ mức "bình thường" trở lên, chệch xuống một chút là "bất thường", là "khó chấp nhận".
Mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái; giữa công ty và nhân viên, giữa vợ với chồng… nảy sinh do sự vênh nhau giữa kỳ vọng với thực tế. Và đó cũng là một chuyện "bình thường" nốt!
Nếu không tập nhìn mọi việc đều có một lý do, ta sẽ triền miên sống trong tranh cãi và đấu tranh để cho rằng mình "đúng". Hãy yêu thương các chuẩn "bình thường" của mình, nhưng tôn trọng chuẩn "bình thường" của người khác, rồi cái gì "hiệp thương" được thì "hiệp thương", còn lại là nguyên tắc sống thì ta không thỏa hiệp.
Chúc cháu biết xử sự uyển chuyển để có thể tiếp tục học lên tiến sĩ mà chưa cần lấy vợ chỉ để chiều lòng mẹ.
HẠNH DUNG