Mẹ vừa làm vừa nói, muốn thưởng thức bánh căn ngon thì phải chú ý đến ba yếu tố: gạo, mắm và mỡ hành thái nhỏ. Gạo làm bánh căn phải là gạo cũ, loại hạt nở. Thêm một chút bí truyền để đúc được bánh căn ngon, giòn là bỏ ít cơm nguội trộn vào gạo khi đem đi xay bột. Nước mắm ăn bánh căn có nhiều loại như mắm ớt, tỏi, thơm hoặc thay thơm bằng cà chua.
Bánh căn
Mắm ớt mẹ làm đã ngon, nhưng mắm nêm mẹ làm còn tuyệt hơn nữa. Loại mắm làm từ cá cơm tươi, được mẹ mua ngay tại cảng, ướp qua muối hột, để cá chín rục trong khạp. Khi dùng, mẹ lấy mắm ra khỏi khạp, trộn chung hỗn hợp ớt sừng, tỏi, đường, thơm giã nhuyễn. Chén mắm có màu nâu đậm và dậy mùi rất đặc trưng. Trên mâm bày thêm một đĩa xoài bằm ăn chung, vị chua, mặn, ngọt, dường như gói gọn trong chén nước chấm ngon "nhức nách".
Sự cầu kỳ trong cách chọn nhân bánh cũng là đề tài được bàn luận sôi nổi trong nhà. Vỏ bánh nạy lên vàng, giòn, bên trên có thể là nhân tôm, nhân mực, nhân trứng cút, nhân thịt bò hay nhân trứng gà đánh loãng đổ từng muỗng. Mỗi người tranh luận một ý, nhưng tựu trung lại, vị nhân nào cũng có nét ngon riêng mà phải dựa vào khẩu vị của từng người mới đánh giá được.
Chúng tôi cũng thống nhất ý kiến rằng, thú vị nhất vẫn là lúc mẹ ngồi đúc bánh ngày mưa rả rích. Gia đình quây quần bên bếp than hồng ấm nóng. Giọt mồ hôi bà trên trán lăn dài vì ngồi gần lửa lâu. Mấy đứa con gái tranh nhau "xí phần" ngồi "ghế nóng" để trải nghiệm cảm giác đổ bánh căn như thế nào.
Thời gian xoay vần, giữa bao món ngon vật lạ du nhập từ nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau, món bánh căn của mẹ tôi vẫn luôn giữ cho mình những hương vị nguyên bản.
Quê tôi nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 7km về phía Đông Nam. Chúng tôi lớn lên đều đi làm xa, mỗi khi có dịp về, cứ đòi mẹ đổ bánh căn cho ăn - cái món đã làm tròn căng chiếc bụng đói cồn cào trong những ngày mưa và làm tròn đầy miền ký ức tuổi thơ bên mẹ. Tôi ước ao làm sao mỗi khi được trở về làng chài Cửa Bé, vẫn có mẹ ngồi đó, bên cái bếp hồng, đổ những chiếc bánh căn dân dã…