Sáng sớm, nghe tiếng la hoảng và tiếng gào khóc của chị Xuân nhà kề bên, tôi vội chạy sang mới biết anh Thành chồng chị đã qua đời. Tối qua anh đi nhậu về muộn, chị Xuân không thèm mở cửa.
Tôi ghét chồng nhậu. Mỗi lần ngửi mùi bia rượu từ anh tôi đã lợm giọng. Nhiều lần chồng xỉn tới mức bạn phải đưa về nhà. Mà bạn anh có mấy người tỉnh táo. Chồng ói mửa đầy nhà. Khổ nhất là đi vệ sinh cứ nhầm tủ lạnh mà giải quyết. Tôi vất vả chăm sóc chồng, thu dọn chiến trường. Vừa làm vừa uất hận nghĩ tại sao mình phải làm việc này? Chồng có trình độ, sao lại như người mất hết lý trí khi có rượu vào.
Anh thành say xỉn gục ngủ trước nhà đê hôm trước, rồi đi luôn - Ảnh minh họa
Hôm đó nghe tiếng chồng lè nhè gọi cửa, tôi nóng tiết, giả điếc không nghe. Một hồi nghe yên ắng, tưởng chồng đã tới nhà bạn ngủ nhờ. Sáng mở cửa thấy chồng nằm chèo queo, tôi hết hồn. Chồng trách tôi nhẫn tâm, không còn thương anh. Tôi đổ anh vô trách nhiệm, vợ con đùm đề còn ham vui. Vợ chồng chiến tranh lạnh cả tuần.
Ba tôi rầy từ nay không được làm thế. Ba nói sao không học má con, thương trước giận sau. Ba về muộn cỡ nào má cũng mở ngọn đèn trước nhà, thức đợi. Sáng, má pha nước chanh, nấu cháo đậu xanh cho ba giải rượu. Ba tỉnh rượu, má bắt đầu cằn nhằn. Ba nhận lỗi hết, làm hết việc nhà để má vui. Từ ngày trẻ tới tóc hoa râm, không biết bao lần má thức đợi ba. Cũng chính vì biết má chờ mong, biết có mái nhà yên ấm đang rộng cửa đón chờ, nên ba ít khi uống say.
Hồi nhỏ, đôi khi nửa đêm tỉnh giấc, tôi thấy má ngồi vá áo là biết ba chưa về. Có khi thấy má lặng lẽ lau nước mắt. Nghe tiếng ba về, má tươi ngay nét mặt, ra mở cửa mà chân bước như lướt đi bằng sự nhẹ nhõm. Người còn đây, yên lành đã, mọi chuyện tính sau.
Bao nhiêu năm, má giữ ba trước những cơn lạc lòng bằng sợi dây kiên nhẫn, dịu dàng. Ba thường hay dạy chị em tôi: "Đàn ông ra ngoài kiếm tiền cực khổ lắm. Dẫu có sai lầm gì cũng đáng được tha thứ". Tôi làm vợ người ta, quên lời ba dạy, chỉ nhìn thấy lỗi lầm của chồng to tướng. Giờ nghĩ lại mới thấy khép chặt cửa nhà với một người là nhẫn tâm cỡ nào.
Tôi bị ám ảnh hoài khuôn mặt sầu thảm của anh Thành lúc ra đi. Con người ta có nhà mà không thể về, không có ai đón chờ, ngóng đợi đáng thương biết bao nhiêu. Ngay trong chính ngôi nhà mình mà còn không được bao dung, thì biết tìm đâu nơi chốn để nương thân?
Ngôi nhà không chỉ là chỗ trú thân, che mưa nắng, còn là chốn yêu thương, chốn bình yên khi người ta mỏi mệt. Ra ngoài lăn lộn gió sương, mới thấy thương biết mấy cánh cửa ngôi nhà mình.