Thưa chú Ti Vi,
Chúng cháu đang rất bức xúc. Cháu lớp Tám, lớp cháu có 22 bạn nữ, trong đó phe bạn A. là mạnh nhất, gồm toàn "dân ngầu" (nhiều bạn đã bị phạt vì tô son và mang son tới lớp bán). Từ hồi Covid-19, cả lớp cháu ai cũng có tài khoản Facebook vì học online, nhóm bạn A. đăng nhiều bài rất bậy bạ, nhưng mà "view" lại nhiều lắm ạ.
Cách đây một ngày, cháu thấy Facebook bạn A. tung clip đánh nhau, nói là vụ việc này đã xảy ra hồi tháng Mười. Gọi là đánh nhau nhưng thật sự chỉ có một bên đánh một bên. Nhìn kỹ thì nạn nhân trong clip đó lại chính là bạn H., rất thân với A., và những người vào đánh cũng là nhóm A., nhưng tất cả mặc quần áo đi chơi và có trang điểm nên nếu không học cùng lớp sẽ khó nhận ra từng bạn. Xem clip thì các bạn đánh rất dã man, nhưng cháu truy lại thì cả tháng vừa rồi, H. vẫn đi học bình thường và vẫn chung băng với A.
Khi clip tung lên thì nhiều người vào xem lắm. Tất cả đều phẫn nộ. Cháu được "mật báo" là sắp tới sẽ có clip nữa được thực hiện, tên là "Đi thăm thầy cô rồi nhân tiện đánh nhau luôn".
Chú Ti Vi ơi, cháu thấy như thế rất kinh khủng, vì các bạn ấy coi việc đánh đập dã man một ai đó là một thứ để câu view trên mạng, đến một lúc sẽ đánh cả những người không gây sự gì với các bạn ấy như cháu đây. Cháu thấy các bạn ấy hai ngày nay hung hăng lên hẳn, rất ra dáng đàn chị. Cháu lo sợ quá. Chẳng lẽ người lớn không có cách gì cản lại việc này sao?
Cháu Lo Sợ
Các clip trẻ đánh nhau thường nhiều view, gây chấn động xã hội
Lo Sợ thân mến,
Quả là từ hồi Covid-19, các gia đình đều vất vả hơn trong việc quản con cái. Ngoài việc thiếu niên tiện có máy nên học một chơi mười, thì còn là xem những thứ linh tinh, rồi luẩn quẩn cả ngày trên mạng xã hội, nhắn tin liên tục, post những thứ rất "bựa" để chứng tỏ mình cũng rất ngầu…
Trong các buổi họp phụ huynh, một số người đã đề nghị nhà trường phải kiểm tra tài khoản mạng xã hội của học sinh trường mình, và hành vi xấu phải bị trừ điểm hạnh kiểm, cảnh cáo… Việc này nghe thì rất khó, nhưng các phụ huynh đó cũng có lý của họ. Theo họ, nhà họ đã kiểm soát, nhưng còn các nhà khác không kiểm soát thì sao? Khi vào học online, con cái họ bắt buộc phải giao tiếp với những bạn chửi tục, nói chuyện bạo lực công khai mà không ai cấm cản trên mạng, thì sao?
Nhưng với phụ huynh, đáng sợ hơn cả nói bậy, nói bựa là thiếu niên trên mạng thấy nhau đáng ghét, rồi cãi nhau, kích nhau, dẫn đến "xử lý" nhau ngoài đời. Ai cũng biết thiếu niên dễ hăng tiết vịt, thiếu kiềm chế, không chịu nhún mình nhận lỗi. Trong cơ thể thiếu niên bừng bừng sự tăng trưởng về cả thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc, nên bố mẹ và thầy cô càng có lý do để kiểm soát kỹ hơn con cái mình, học trò mình. Chỉ cần sểnh một chút trong lúc thiếu kiềm chế, một đứa trẻ có thể mất mạng hoặc chính nó thành kẻ giết người…
Tuy nhiên, trong các cuộc cãi nhau ngoài đời hay trên mạng, chú thấy hình như vẫn thiếu một nhân vật có thẩm quyền gửi một thông điệp đến cảnh báo, rằng chúng tôi đã để ý vụ này; từ phút này, nếu một trong hai bên gặp chuyện gì thì bên kia sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Nếu có một lời "dọa" trước như thế, có lẽ tỷ lệ các vụ đánh nhau sẽ giảm nhiều, và đời thiếu niên không bị rẽ ngoặt sang những hướng tăm tối và oan uổng. Quan trọng hơn, có kiểm soát và đe nẹt thì sẽ không còn cái nạn tung clip đánh nhau giả lên để câu view như nhóm bạn A. lớp cháu nữa.
Đánh nhau thật đã sợ, giả vờ đánh nhau để câu view còn đáng sợ hơn, bởi vì đó là "hai trong một": vừa háo danh vừa cổ vũ sự ác độc. Người lớn hay phẩy tay: "Thiếu niên ấy mà, ham vui, cạn nghĩ, đứa nào chả đánh nhau!".
Nhưng việc giả vờ đánh để câu view lại là một tội rất nặng, đó là gian dối, là sẵn sàng làm điều ác, cổ xúy cái ác để thu lợi, dù cái lợi ấy chẳng là gì ngoài một mớ like vô nghĩa. Tội ấy là rất nặng và cần được răn đe, thậm chí xử phạt. Thiếu niên vừa coi trời bằng vung, lại vừa rất sợ luật pháp. Những người lớn có trách nhiệm cần lưu ý, và có lẽ môn giáo dục công dân các cháu đang học rồi sẽ phải bổ sung những bài học mới để không lạc hậu với cuộc đời!