Ối dào, thích nhất là lúc mình còn trẻ, máu đang nóng, tim đang quẫy. Và, yêu đương một cách cuồng nhiệt, hăm hở, si mê. Lúc nào cũng sẵn sàng trở thành "anh hùng cứu mỹ nhân". Nàng bé bỏng, yếu đuối, hiền hòa. Thương lắm. "Trông như con mèo khờ/ Chờ bàn tay nâng đỡ" (Nguyễn Tất Nhiên). Nhất là lúc nàng "Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm/ như con mèo ngái ngủ trên tay anh/ Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình" (Nguyên Sa). Thế thì, "Tay anh em hãy tựa đầu/ Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi" (Huy Cận)…
Hình ảnh yếu đuối, dịu dàng, hiền hòa của phái nữ đã đi vào ca từ âm nhạc, thơ ca, hội họa… với biết bao cung bậc ấm áp, trìu mến lạ thường.
Cưới được vợ hiền, có vui lâu không các anh? - Ảnh minh họa
Cưới được một người như thế làm vợ thì tha hồ ngày đêm cưng như trứng, hứng như hoa. Một khi người vợ hiền lành quá đỗi, gọi dạ bảo vâng, thì ông chồng nào lại không thích?
Có thật không?
Chưa chắc. Vậy, có phải do cô vợ đổi tính trái nết? Suốt ngày nàng ngồi lê đôi mách, hay xoèn xoẹt cãi lại chồng? Không hề, nàng vẫn hiền lành, dịu dàng, đằm thắm, nhỏ nhẹ như xưa chứ nào khác gì đâu. Nhưng thế mới… chán! Không chán sao được, khi có những việc cần vợ ý kiến ý cò, nàng lại câm như thóc. Cần nghe nàng "phản biện" vụ xin nhập trường nào cho con là hợp lý, dễ đưa đón thì nàng vẫn ngậm như hến. Có nói đi nữa cũng chỉ: "Tùy anh".
Bực cả mình. Chẳng thà đừng nói còn hơn.
Chuyện khác nữa, thái độ này vẫn không khác. Chàng gặng hỏi: "Ý của em thế nào?". Hỏi, là do người chồng chưa tự tin lắm vào quyết định của mình. Thế nhưng, nàng chỉ dễ dãi: "Em sao cũng được".
Lúc mới cưới, ai nghe cũng thích, bởi trong nhà này "quyền lực" chỉ tập trung trong tay một người. Anh chồng phởn phơ ra chiều đắc ý lắm. Tuy nhiên càng về sau, tất tần tật câu hỏi nào, cũng chỉ nghe "tùy anh", anh chồng chỉ biết ngán ngẩm thở dài.
Đàn ông dù độc đoán, độc quyền, nhưng cũng có lúc họ cần nghe ý kiến thậm chí cằn nhằn, can ngăn, trách móc của người vợ, chứ họ không thể… độc diễn mãi. Thì đây, dù đã hai mặt con nhưng anh chồng vẫn giữ thói quen thời độc thân, cứ mỗi chiều lại đàn đúm với bạn nhậu, lại lý do "hưng phấn cho ngày mai đi làm". Lý lẽ cùi bắp mà cô vợ vẫn ậm ừ cho qua. Nếu người vợ dữ dằn một chút, anh ta đã ở nhà với vợ con rồi. Đố dám. Mà một khi đã dám, do vợ không có ý kiến gì thì càng ngày anh ta càng trượt chân là cái chắc.
Lại nữa, đã có hẹn dẫn con qua ngoại ăn cơm, chàng quên béng. Thế là chiều đó, tan sở lại bù khú với bạn bè đến "ngất trên cành quất". Lúc nhớ ra, chàng vội vàng quay về nhà, với cảm giác vừa hối hận, vừa lo sợ vợ mắng, bèn lanh trí bịa luôn: "Hôm nay, phía đối tác mời ăn tối em à". Nghe là biết xạo rồi, quần áo lếch thếch như mọi ngày thì họp với hành gì? Thế mà cô nàng cũng chỉ gật gù: "Vậy hả anh?". Rồi không nói gì thêm.
Thái độ "dịu dàng", "cả tin" ấy vô hình trung khiến anh chồng đâm ra chán. Biết vậy, ở lại nhậu luôn với bạn bè cho rồi! Mà lần này đã trót lọt thì ắt có lần sau thôi.
Sự việc quá trớn này, nếu chấn chỉnh ngay từ đầu thì tốt quá!
Do người vợ chấp nhận theo lối chịu đựng, từ đó người chồng đâm ra nhờn, ngày một sa đà, tự tung tự tác, không còn kiềm chế nữa. Đến lúc chịu hết xiết thì đâm ra lớn chuyện, có khi tan đàn xẻ nghé như chơi. Người chồng có lỗi, tất nhiên, nhưng cũng nhờ… có sự "góp sức" của người vợ nữa mà. Người vợ cứ lẳng lặng, răm rắp làm theo "chỉ đạo", tuân theo chồng một cách mù quáng. Nói thật, riết rồi cũng bị chồng xem thường thôi.
Vậy không lẽ người vợ phải dữ dằn lên, mồm năm miệng mười, hễ không ưng ý gì là xoen xoét nổ như bắp rang thì mới gìn giữ hạnh phúc, mới được chồng nể
sợ sao?
Không phải thế đâu!
Thiết nghĩ, chung sống trong mái ấm, muốn hạnh phúc, cả vợ lẫn chồng phải tự giác điều chỉnh qua góp ý của nhau để hoàn thiện lấy chính mình. Với đàn ông, vai trò người vợ rất quan trọng, bên cạnh tính nết hiền lành, cần có thêm… tính cách dữ dằn nữa. Ai cũng thừa biết, nhiều bà vợ hiền quá làm hư ông chồng. Hư ở đây là hiểu theo nghĩa có những việc lẽ ra phải ngăn từ đầu, nhưng người vợ do hiền, nhu nhược nên không dám mở miệng than phiền, trách móc, can ngăn, để kịp thời tìm cách chấn chỉnh.
Thế nào là dữ dằn khiến người chồng phải nể, phải sợ, nếu một khi làm sai trái điều gì đó? Tùy hoàn cảnh mỗi người sẽ có những "đáp án" khác nhau. Nhiều bạn bè của tôi tâm sự sau khi "lên xe hoa", họ đã dần dần thay đổi phong cách sống, nếp sống, lẫn tính cách.
Chẳng hạn, dù có điều kiện, nhưng họ vẫn không dám lăng nhăng mèo mỡ, bia bọt vô tội vạ, đi sớm về khuya như trước… Ấy là do vợ dữ dằn quá. Dữ ở chỗ mỗi ngày cô nàng đều thể hiện sự gương mẫu, chu toàn mọi việc từ "dạy con ngoan" đến "nuôi chồng khỏe", dù vẫn đi làm như ai. Họ cáng đáng, quán xuyến cửa nhà, chăm sóc con cái, cơm nước gia đình không gì phải phàn nàn, chê trách cả.
Hình ảnh này tác động sâu sắc đến cách xử thế của người chồng, khi bước chân ra xã hội lẫn lúc quay về nhà. Họ ý thức bản thân mình phải điều chỉnh, thể hiện như thế nào để không phụ lòng vợ. Và hơn nữa, một khi làm điều gì sai trái, vợ kịp thời có ý kiến thì tiếng nói góp ý ấy dù ngọt ngào, dù chát chua, nhưng đủ trọng lượng, cũng khiến người chồng nếu khôn ngoan, tỉnh táo phải nhìn lại mình.
Tôi nói "nếu khôn ngoan", vì rằng, không phải bất cứ ông chồng nào cũng thừa nhận công sức của vợ vun vén cho mái ấm. Nếu thế thì lại khác, dù người vợ có dữ dằn theo nghĩa bóng, dữ như bà la sát thì cũng không cứu vãn được tình thế. Đến lúc xảy ra chuyện thì lỗi ấy là do người chồng.
Người vợ làm chồng nể sợ, sẽ giúp anh ta... nên người - Ảnh minh họa
Đáng đời!
Tóm lại, tôi tán thành quan điểm "gia đình cần một bà vợ... dữ" là thế. Tất nhiên dữ theo cách mà tôi vừa chia sẻ, sau khi đã thu thập, tham khảo ý kiến của nhiều người đàn ông đang làm chồng. Họ không cảm thấy cái sự dữ đó "trói tay buộc chân", mà còn tự hào, vui vẻ chấp nhận nữa là khác.
Đàn ông có thể giỏi giang đến độ lấp sông, xẻ đồi, bạt núi… nhưng rồi, một trong những yếu tố dẫn đến thành công, bao giờ cũng cần có người vợ dõi theo đặng chung tay góp sức với họ. Sự góp sức ấy, hiệu quả nhất vẫn là lúc người vợ dữ theo lối chu toàn việc của mình, để người chồng nhìn vào đó mà có phép ứng xử cho phải đạo.