Cưới nhau được hơn hai năm thì chồng của Diệu nhận được một một học bổng đào tạo nghiên cứu sinh tại Mỹ. Lúc đó, con trai cô mới được bảy tháng.
Ban đầu, Mạnh muốn mang vợ con sang Mỹ cùng mình, nhưng ba má và họ hàng khuyên Diệu ở lại. Diệu cũng ngại khi đến việc mang con đến một đất nước xa lạ, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, chồng đi học rồi đi làm suốt ngày, chưa chắc đã có thời gian giúp cô trông con, lúc con ốm con đau cũng không có ai đỡ đần.
Đó là còn chưa kể, nếu sang Mỹ, cô chỉ ở nhà nội trợ. Sau khi học vài lớp tiếng Anh dành cho người nhập cư, nếu may mắn Diệu có thể xin được một số công việc bán thời gian đơn giản, chuyên môn sẽ mai một. Bốn năm sau về nước, chưa chắc cô đã kiếm được công việc tốt như bây giờ.
Có người khuyên Diệu cố gắng kiếm một học bổng, lấy bằng thạc sĩ ở Mỹ. Nhưng cô mang theo con nhỏ, chuyện đi học cũng không đơn giản. Đắn đo suy nghĩ mãi, cuối cùng Diệu quyết định ở lại Việt Nam.
Phải một mình nuôi con khiến cho người vợ thấy tủi thân khi chồng đi làm xa (Ảnh minh họa)
Mạnh sang Mỹ đầu năm 2019, tới Giáng sinh năm đó anh về thăm nhà được vài ngày. Sau đó, do dịch bệnh, Mạnh và Diệu xa nhau đã được gần hai năm. Chồng Diệu là người tâm lý và tình cảm, nên anh luôn gọi điện về cho vợ mỗi ngày.
Thế nhưng, những khi con ốm con đau, Diệu thấy tủi thân vô cùng. Người ta có vợ có chồng, cùng nhau chăm con ốm, vợ lo lắng vì con đang bệnh thì được chồng an ủi, còn Diệu chỉ có bà nội, bà ngoại ở bên.
Cuối năm ngoái, tình hình dịch bệnh ở Mỹ căng thẳng, Diệu vô cùng lo lắng cho chồng, nhưng hai vợ chồng ở cách nhau mười mấy giờ bay, ngoài cầu trời khấn Phật cho chồng bình an, cô chẳng biết làm gì hơn. Ở Mỹ, Mạnh cũng rất lo cho vợ, nhưng vì tình hình dịch bệnh phức tạp và lịch làm việc dày đặc nên anh không thể về thăm vợ con.
Thảo thì lại khác, Cương chồng cô là bộ đội, đóng quân cách nhà hơn 70km, mỗi tháng anh chỉ về thăm nhà được một lần. Cương là con trai một, bố anh mất khi anh còn nhỏ, nên sau khi kết hôn, Thảo phải sống chung với mẹ chồng.
Khi cô định làm đám cưới với Cương, bạn bè đã khuyên cô suy nghĩ cho kỹ, chồng đi làm xa, lại sống cùng mẹ chồng, rất dễ nảy sinh mâu thuẫn. Lúc hai người yêu nhau, Thảo thấy mẹ của Cương hiền và tốt bụng. Sau khi kết hôn, cô mới hiểu vì sao mọi người lại khuyên cô như vậy.
Dù ở xa nhau, nhưng vợ chồng vẫn phải giữ liên lạc (Ảnh minh họa)
Mẹ của Cương tốt tính, nhưng bà là người sống theo nếp xưa, rất tiết kiệm và muốn con dâu cũng sống tằn tiện như mình. Mỗi lần thấy Thảo mua quần áo mới, bà đều tỏ vẻ không ưng, nói cô phải dành dụm tiền để lo cho sau này. Đôi lúc ở nhà buồn quá, Thảo cũng ra ngoài đi chơi với bạn bè. Biết mình là gái đã có chồng, nên cô không bao giờ đi chơi về muộn, nhưng mẹ chồng vẫn không vui.
Mấy lần, Thảo xin phép về nhà mẹ ruột chơi, mẹ chồng cô cũng phải gọi điện sang thông gia dò hỏi, xem có đúng là con dâu về bên đó hay không. Khi Thảo sinh bé Nấm, quan hệ mẹ chồng nàng dâu càng căng thẳng. Xung đột trong cách chăm con, chăm cháu của hai thế hệ khiến hai mẹ con lời qua tiếng lại. Cương cũng đau đầu vì một bên là mẹ, một bên là vợ, bênh ai cũng khổ.
Hoàn cảnh cô bạn thân tên Châu của tôi lại khác. Vấn đề Châu gặp phải trong hai năm chồng đi công tác xa là Kiên rất hay ghen. Hễ chồng gọi điện mà cô không nghe máy là anh tra khảo vợ bận gì mà không nghe điện thoại. Bất kể sáng sớm, hay tối khuya, trong giờ làm việc hay ở nhà, anh đều bắt vợ mở cuộc gọi video để kiểm chứng xem lời cô nói có đúng hay không. Ngày Kiên về nước, Châu như trút được gánh nặng.
Vợ chồng sống đôi nẻo là chuyện bất đắc dĩ, không ai muốn. Nhưng nếu không may phải trong cảnh mỗi người một nơi, hai bên phải học cách tin tưởng nhau. Có khá nhiều cặp đôi đã vượt qua những ngày tháng đoạn trường mà không sứt mẻ tình cảm.
Dù bận đến mấy, họ vẫn thu xếp dành thời gian cho nửa kia, thường xuyên gọi điện cho nhau, cùng nhau chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày để cả hai không thấy cô đơn, không "lạc" nhau. Bởi sống xa nhau là một thử thách lớn của hôn nhân, nếu không đủ tình yêu, sự tin tưởng và bao dung, hôn nhân rất dễ rơi vào bế tắc...