Màn diễu hành lạ thường này có truyền thống từ năm 1933. Ông chủ Frank Schutt của khách sạn Peabody trở về từ một chuyến đi săn vịt. cùng ông bạn Chip Barwick. Thực ra họ chỉ ngồi uống rượu trong rừng ở Arkansas, không săn bắn gì. Trở về khách sạn vào đêm muộn, họ quên không để những con vịt sống làm mồi lại trang trại của một người bạn ở Arkansan.
Để "cứu vãn" tình hình, Frank thả lũ vịt vào đài phun nước của khách sạn. Không ngờ, những vị khách quá thích thú trước sự hiện diện của đàn vịt đáng yêu vào sáng hôm sau, đến mức chủ khách sạn từ đời này qua đời khác quyết định để chúng ở lại.
Hàng ngày, đều đặn vào khoảng 11h trưa, đàn vịt lạch bạch từ căn penthouse trên nóc khách sạn bước vào thang máy, đi xuống lối đi trải thảm đỏ, vây quanh chúng là những vị khách hiếu kỳ. Cuộc diễu hành của chúng diễn ra như màn duyệt binh trên nền nhạc hào hùng của John Sousa, nhạc trưởng từng phục vụ trong Quân đội Mỹ được mệnh danh là "Ông hoàng nhạc Hành khúc". 5 con vịt sẽ đến đài phun nước giữa sảnh khách sạn, nơi chúng ngụp lặn thỏa thích đến 5h chiều rồi trở lại căn penthouse sang chảnh của mình.
Toàn bộ nghi thức này do Duckmaster chỉ huy. Duckmaster, công việc độc nhất thế giới, là một chức danh ra đời vào những năm 1940, từ khi Edward Pembroke, một bellman của khách sạn tình nguyện chăm nom đàn vịt. Từng là một huấn luyện viên trong rạp xiếc, Edward dạy lũ vịt cách đi đứng trong sảnh khách sạn - từ đó Cuộc diễu hành của Vịt Peabody (Peabody Duck March) bắt đầu có tiếng tăm. Edward làm công việc này trong 50 năm, cho tới 1991.
Anthony Petrina, Duckmaster đời thứ 5, kể lại: "Tôi sẽ không nói khoác. Công việc của tôi rất kỳ lạ: huấn luyện vịt để kiếm sống. Tôi không định làm việc này, nhưng vận may cứ đến". Hàng ngày anh có nhiệm vụ trông nom đàn vịt, đưa chúng xuống đài phun nước, kể lại câu chuyện lịch sử của vịt Peabody và coi chừng những khách nhí quá tò mò có thể làm phiền chúng. Bản thân anh cũng trở thành một người nổi tiếng khi không ít du khách muốn chụp ảnh cùng, xin chữ ký.
Anthony trở thành huấn luyện viên của đàn vịt từ năm 2011, khi còn là một bồi bàn trong nhà hàng. Có bằng cử nhân Quản trị Khách sạn và Resort của Đại học Memphis, anh chỉ định ứng tuyển vị trí Duckmaster bán thời gian vì thích không gian của khách sạn Peabody. Nhưng dần dần vì yêu cầu từ ban quản lý, Anthony gắn bó với chức danh đó gần 10 năm nay.
Khi không xuất hiện trước công chúng, đàn vịt Peabody sống trong "Lâu đài Vịt" (Duck Palace) trị giá 200.000 USD trên nóc khách sạn. Lâu đài của chúng được xây dựng từ năm 2008 - kỷ niệm 75 năm truyền thống diễu hành, với thiết kế như một căn penthouse thu nhỏ, có cả bể bơi riêng với tượng đồng hình vịt phun nước.
Thực tế, cuộc sống xa hoa của đàn vịt Peabody không kéo dài suốt đời. Chúng chỉ ở đây 3 tháng, và trở về với không gian hoang dã trong nông trang do một người bạn của chủ khách sạn sở hữu, nơi chúng lớn lên. Khách sạn áp dụng chính sách như vậy để lũ vịt có thể sống như những động vật hoang dã, không bị thuần hóa hay đối xử như thú cưng trong nhà. Chúng không có tên riêng, chỉ đàn vịt đầu tiên mang tên Peabody, Gayoso và Chisca - đặt theo tên ba khách sạn do tập đoàn khách sạn Memphis sở hữu vào năm 1933.
Đàn vịt Peabody từng xuất hiện trên những chương trình truyền hình lớn như The Tonight Show Starring Johnny Carson, Sesame Street, phim sitcom Coach và The Oprah Winfrey Show, hay tạp chí People. Những người nổi tiếng như MC Oprah Winfrey, diễn viên Kevin Bacon hay biên tập viên đài CBS Gayle King... từng thử tài chỉ huy đàn vịt.
Khách nghỉ qua đêm tại khách sạn có thể trải nghiệm "Ngày của Vịt" với giá từ 379 USD. Theo đó, khách được đóng vai Duckmaster danh dự dẫn đàn vịt đến đài phun nước hoặc về cung điện vào 11h hoặc 17h, ngồi bàn vị trí đẹp để quan sát cuộc diễu hành đặc biệt. Những quà tặng đi kèm là áo phông in hình Duckmaster, đồ chơi, bánh quy vịt Peabody và giấy chứng nhận Duckmaster danh dự. Ngoài ra, khách sạn còn bán gậy Duckmaster giá 50 USD một chiếc.