Đọc nhiều bài viết ca ngợi trai Tây cũng như nhìn vẻ hãnh diện của một số cô gái kết hôn cùng "chồng ngoại", tôi tự hỏi không biết "hàng ngoại" có thực sự vượt trội so với "hàng nội" không mà các cô đua nhau lấy chồng ngoại, kể cả nhờ người mai mối, lên mạng "tìm chồng" hay thậm chí tự "bán rẻ" mình như nhiều vụ báo chí đã nêu. Trong khi những trường hợp mà tôi chứng kiến cho thấy, các cô dâu lấy chồng ngoại không phải lúc nào cũng hạnh phúc.
Vừa chân ướt chân ráo theo chồng về trời Tây, một cô bạn tôi đã bị choáng khi anh chồng Mỹ tỉnh bơ đề nghị: "Kể từ nay lương của em sẽ thanh toán bill hàng tháng như điện thoại, điện, nước, bảo hiểm xe cộ… Lương anh để dành mua nhà" (chồng bạn đang ở nhà thuê).
Là trưởng phòng một công ty lớn ở Việt Nam với mức lương đáng mơ ước cùng ngoại hình khá bắt mắt với bao "vệ tinh" sẵn sàng rước nàng về dinh, cô nàng thật sự sốc khi nhận ra sau vẻ lịch lãm, ga-lăng và vô cùng lãng mạn của anh chồng Tây khi đóng vai "người tình" ở Việt Nam là một người đàn ông tính toán rạch ròi đến mức lạnh lùng dù bạn hiểu ở đâu thì vợ chồng cũng phải chia sẻ gánh nặng kinh tế.
Bạn không hiểu sao một người chu đáo đến mức không bao giờ quên gửi những lẵng hoa với số hoa trùng với số tuổi của cô đến công ty vào ngày sinh nhật hoặc luôn quỳ xuống xỏ giày giúp cô lại có thể nói chuyện tiền bạc một cách chi li như thế.
Nhiều phụ nữ Việt lấy chồng Tây không hẳn vì tiền và không phải đàn ông Tây nào cũng giàu có (ảnh: Getty images)
Một cô bạn tôi quen qua mạng thì từ lúc yêu đến lúc cưới luôn khen anh chồng ngoại kiều "không chút tì vết" khiến mọi người không khỏi ghen tỵ. Khi có con, không ít lần bất đồng ý kiến dẫn đến giận nhau, bạn ẵm con bỏ ra khách sạn ở, chủ yếu "làm nư" cho hả giận. Anh chồng chẳng thèm năn nỉ ỉ ôi cho mệt mà báo cảnh sát rằng vợ… bắt cóc con mình! Báo hại bạn phải lên xuống làm việc với cảnh sát và cũng cạch luôn màn giận dỗi rồi ẵm con đi!
Bản thân tôi từng có anh bạn người Pháp khá thân. Hết hạn công tác ở Việt Nam, anh rao bán hết đồ đạc trong nhà để khỏi mang về nước và hứa bán lại cho bạn tôi một món đồ (không quên nói trước giá rõ ràng). Vậy mà khi tôi đến lấy, anh kia thản nhiên bảo đã bán cho người khác với giá cao hơn. Tôi thất vọng không phải vì tiếc món hời mà vì mối quan hệ bấy lâu chẳng bằng số tiền chênh lệch so với giá món đồ anh đã hứa bán.
Môi trường sống văn minh, hiện đại, khí hậu trong lành, khung cảnh đẹp đẽ, hữu tình khiến nhiêu cô muốn đổi đời bằng con đường kết hôn với "chồng ngoại" (ảnh: Getty images)
Không chỉ các yếu tố như môi trường sống văn minh, hiện đại, khí hậu trong lành, khung cảnh đẹp đẽ, hữu tình, với kiểu yêu bằng tai, chuộng sự lãng mạn và những biểu hiện tình cảm của nhiều chị em phụ nữ, sự ngọt ngào, ga-lăng, ân cần, chiều chuộng và tâm lý chia sẻ việc nhà với vợ là những điểm mạnh khiến trai ngoại "knock-out" trai nội (nhiều phụ nữ Việt lấy chồng Tây không hẳn vì tiền và không phải đàn ông Tây nào cũng giàu có).
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố bất lợi như bất đồng ngôn ngữ, văn hoá, lối sống, phải xa gia đình khi lấy chồng ngoại, các ông chồng Tây còn rất sòng phẳng trong việc phân chia trách nhiệm tài chính.
Chỉ cần một chút tinh tế, thiết nghĩ những điều nói trên chỉ là chuyện "nhỏ như con thỏ" với các quý ông Việt, chẳng khó khăn gì để các anh thua trên "sân nhà" còn các chị em rủ nhau "mơ về nơi xa lắm"!