Ông bà nội tôi vẫn cùng nhau lặt kiệu, cắt hành, phơi củ cải cà rốt từ năm sáu mươi tuổi cho đến nay, khi ông bà đã hơn tám mươi. Đây là niềm vui nho nhỏ ông bà muốn duy trì càng lâu càng tốt, để con cháu mang về bữa cơm cuối năm, như một lời chúc mừng xuân mới.
Thực ra chị em tôi không thích ăn cả kiệu lẫn hành, vì cái mùi hăng hắc, vị cay nồng của chúng. Nhưng, chúng tôi lại thích hít hà mùi của một hũ dưa món đầy đủ nguyên liệu chính gồm kiệu, hành, củ cải, cà rốt, ớt.
Ông bà nội tôi đã bước sang tuổi 84, vẫn lọ mọ làm chút dưa món cho có không khí tết
Khi chúng tôi còn con nít, mẹ tôi còn làm dâu trưởng, tháng Chạp là thời gian mẹ rất bận rộn. Vừa chuẩn bị tết cho gia đình bốn người, mẹ phải vừa phụ bà nội lo sắm sửa bao mâm cúng lẫn các món ăn kèm cho ba ngày xuân. Những ngày mùa đông, trời bao dung tỏa những tia nắng ấm áp hiếm hoi xuống dải đất miền Trung, mẹ tôi và bà nội tất tả tranh thủ chuẩn bị nguyên liệu để làm dưa món.
Nhà nội đông con, đàn dâu rể, cháu chắt cũng theo đó tăng quân số. Nếu hàng xóm làm một, hai ký hành kiệu thì nhà nội tôi làm cả chục ký. Cứ đầu tháng Chạp, tranh thủ ngày thứ Bảy, Chủ nhật, con cái không phải đi làm, mấy đứa cháu không đi học, bà nội tôi lại tổ chức làm dưa món. Dù mất cả buổi trời, dù ai cũng than đau lưng, ê hông nhưng tất cả nhìn nhau cười lấp lánh hạnh phúc.
Sau một đêm ngâm nước hòa tro bếp cho hành và kiệu bớt vị hăng, cả nhà xúm lại cắt rễ, bóc lớp áo ngoài. Khi những củ kiệu củ hành được làm sạch, trắng nõn nà, ông nội sẽ đem phơi nắng trên mái nhà cho heo héo để thêm vị giòn, dai.
Hành và kiệu phơi khoảng hai nắng, nội lại gọi con cháu tụ tập thêm lần nữa để làm cà rốt, đu đủ ươm, củ cải. Chúng phải được kỳ công cắt tỉa hình ngôi sao, hình bông hoa bằng cái khuôn bé tí hoặc cắt bằng con dao có hình răng cưa đặc biệt.
Công đoạn này dễ bị hao hụt nguyên liệu vì lũ trẻ con thi thoảng lại chạy ùa vào, bốc một ít đu đủ vàng ươm hay miếng cà rốt giòn ngọt cho vào miệng rồi lại ra ngoài sân chơi cùng nhau. Vì thế, nội thường mua dôi nguyên liệu để nấu bữa canh đu đủ với đuôi heo cho đàn con ăn luôn bữa trưa sau khi chúng hoàn thành việc cắt tỉa nguyên liệu.
Phần phơi nguyên liệu cho héo do ông nội phụ trách, như thể nó là nghi thức mà ông vinh dự được đảm nhận. Ngắm nhìn tóc ông từ lốm đốm bạc cho đến khi trắng xóa, lúc mắt còn hơi tỏ cho đến khi chỉ còn dựa vào cảm nhận của các ngón tay, tôi cảm nhận thời gian trôi thật mau và biết ơn vì chúng tôi vẫn còn được ở đây, mỗi năm được ngửi mùi dưa món từ bàn tay ông bà.
Khi tất cả nguyên liệu được hút bớt nước nhờ sức nóng của mặt trời, nội tôi sẽ đem chúng ngâm với đường mắm nấu sẵn, không quên cho vào những quả ớt cay đã được làm héo.
Chỉ sau mươi hôm, hũ dưa món sẽ chuyển màu vàng nhạt, chỉ cần hé nắp là tỏa hương ngào ngạt. Nội gọi cho từng đứa, bảo ghé sang mang dưa món về ăn ngay, chẳng cần đợi tết.
Củ kiệu được ngâm đã bớt đi vị nồng, qua thời gian thấm gia vị đường, mắm đậm đà quyện với mùi thơm của bánh chưng, bánh tét, cơm gạo mới. Hương và vị ấy kèm giá trị gắn bó gia đình đó không thể gọi tên, sâu lắng, thiêng liêng mà gần gũi, theo chúng tôi cho đến tận bây giờ.
Thời gian đã đi dần về cuối năm. Đâu đó trên đường phố TP HCM, tôi thỉnh thoảng bắt gặp người vận chuyển chở vài bao ni-lông củ kiệu lớn. Trong làn gió lành lạnh buổi sớm mai, tôi nhớ quá cái mùi hăng hắc của củ kiệu đã lan tỏa khắp không gian nơi quê nhà. Ở đó, năm nay ông bà nội tôi đã bước sang tuổi 84, vẫn lọ mọ làm chút dưa món cho có không khí tết, cho gợi nhớ niềm vui sum vầy thuở xưa.
Bây giờ ông nội tôi không còn tự tay phơi kiệu hành được nữa, việc này đã có chú tôi lo. Chiếc nong đan bằng tre đã ngả màu sương gió vẫn ôm lấy những củ kiệu, củ hành đã qua ngâm, cắt gọt, rửa sạch trắng nõn nà nằm cạnh đám cà rốt, củ cải, đu đủ. Cảnh ấy chao ôi là bình yên và thân thương.
Thấy nhà nhà phơi dưa kiệu trước sân là thấy tết đã về. Những ngày tháng Chạp tưởng như xa mà lại gần, rất gần. Những mong tết này mọi người lại được hưởng cái ấm áp, gần gũi của tình thân.