Theo đó, hơn 75 tấn vải thiều Lục Ngạn; 2.855 kg Gạo ST Xuân Hồng đã đến tay người tiêu dùng và kêu gọi quyên góp hơn 86 triệu đồng hỗ trợ chi phí đến trường cho con em nông dân khó khăn.
Kết quả ấn tượng mà chương trình "Ủng hộ nông sản Việt" đạt được không chỉ giúp giải quyết bài toán ngắn hạn là hỗ trợ người nông dân tìm đầu ra cho nông sản trong bối cảnh sau dịch Covid-19, hoạt động mua bán, xuất khẩu chưa trở lại bình thường mà còn giúp mở ra hướng đi mới mẻ cho tiêu thụ nông sản trong tương lai.
Người dùng ủng hộ nông sản Việt
Trước đó, ban tổ chức kỳ vọng khoảng 20 tấn vải thiều Lục Ngạn sẽ được tiêu thụ và phạm vi áp dụng chỉ tại TP HCM. Nhưng ngay trong ngày đầu mở bán có 17,5 tấn Vải Thiều Lục Ngạn được người tiêu dùng mua ủng hộ trên Ví MoMo. Đây là thành công bất ngờ và tạo tiền đề để các bên mạnh dạn mở rộng phạm vi chương trình tại Hà Nội (bắt đầu từ ngày 19-6).
Theo thống kê từ Saigon Co.op, lượng vải thiều bán qua Ví MoMo chiếm 20% tổng sản lượng vải thiều bán ra của Saigon Co.op năm nay. Kết quả của chương trình lần đầu tiên này sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho các loại nông sản khác thời gian tới.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo, nhận định trong chuỗi phân phối, tiêu thụ nông sản, người nông dân sẽ là đối tượng dễ bị thiệt thòi, tổn thương vì họ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Đó cũng là lý do mà hàng năm "điệp khúc" được mùa mất giá, được giá mất mùa lặp lại. Vì vậy, nếu giải quyết được vấn đề đầu ra cho người nông dân ngay từ ban đầu sẽ giúp họ có thể chủ động hơn, có nguồn thu ổn định hơn không phụ thuộc vào các thương lái cũng như thị trường xuất khẩu tiểu ngạch, yên tâm canh tác", ông Diệp nói.
Từ thực tế trên "Ủng hộ nông sản Việt" là một thử nghiệm hoàn toàn mới trên Ví MoMo mở ra hướng đi cho mô hình hợp tác giữa các đơn vị trong cùng một hệ sinh thái. Vải thiều Lục Ngạn và Gạo ST Xuân Hồng là 2 sản phẩm thử nghiệm cho lần này và trong tương lai, bất kỳ người dùng nào cũng có thể sử dụng MoMo như một nền tảng kêu gây quỹ từ cộng đồng…