Chùa Tây Tạng (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) xây dựng năm 1928 với tên gọi đầu tiên là Bửu Hương Tự. Năm 1937 chùa được đổi tên như ngày nay sau chuyến đi sang Tây Tạng nghiên cứu Phật học của vị trụ trì chùa. Ngày nay, chùa tọa lạc ở một ngọn đồi xung quanh phủ kín bóng cây xanh mát.
Vào thời điểm mới xây dựng, chùa chỉ là một am nhỏ thờ Phật. Sau lần đại trùng tu vào năm 1992, chùa có dáng dấp gần giống như một ngôi chùa theo hệ phái Mật Tông ở xứ sở Tây Tạng.
Chánh điện bao quanh bởi vườn cây cao vút, có cấu trúc hình khối vuông, điểm nhấn là ngôi bảo tháp thờ xá lợi và các tứ giác có chiều cao trên 15 m.
Ở tầng thượng chùa có năm điện thờ 5 vị Phật của Phật giáo Tây Tạng, thường được gọi là "Ngũ Trí Như Lai". Mỗi vị tượng trưng cho một tính cách của con người. Chỉ có ngày rằm, mồng một hoặc dịp lễ lớn, nhà chùa mới mở cửa cho du khách lên tầng thượng để chiêm bái Ngũ Trí Phật.
Ở giữa chánh điện thờ tượng Phật Thích Ca ngồi thiền có chiều cao 2,3 m. Xung quanh có chư Phật và Bồ tát ở các vị trí khác nhau.
Phía sau chánh điện có bức tượng Đạt Ma Sư Tổ được sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là bức tượng bằng tóc lớn nhất Việt Nam. Bức tượng chế tác năm 1982, cao gần 3 m, trừ phần khung được làm bằng sắt thì chất liệu chủ yếu được làm bằng tóc được thu nhận từ các Phật tử. Điểm thú vị là trên đòn gánh của ngài còn treo một chiếc nón lá mang đậm chất văn hóa dân tộc.
Kế bên chánh điện là công trình mới cao bảy tầng trên diện tích gần 650 m2, được xây dựng năm 2014 để phục vụ cho công tác phật sự.
Dù công trình được xây dựng mới, vẫn giữ được nét kiến trúc theo phong cách như những ngôi chùa xứ Tây Tạng và hài hòa với cảnh quan cũ.
Trên sân thượng là khoảng không gian rộng rãi, thoáng gió để ngắm toàn cảnh chùa Tây Tạng cũng như một phần thành phố Thủ Dầu Một.
Điểm nhấn của công trình mới là bảo tháp Mandala cao khoảng 15 m, kiến trúc thường thấy trong những ngôi chùa xứ Tây Tạng.
Trong chùa có rất nhiều tượng Phật đủ kích thước, được chế tác tinh xảo theo cả hai hệ phái Bắc Tông và Mật Tông.
Vào dịp đầu năm, chùa Tây Tạng có nhiều người lui tới hành hương. Chùa đông nhất là tối ngày mùng tám tháng giêng vì chùa tổ chức lễ cúng sao giải hạn, cầu an cho bá tánh thập phương.