Toạ lạc trên độ cao 1.550 m, Dinh 1 (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) do triệu phú người Pháp, Robert Clément Bourgery, xây dựng. Sau đó, vua Bảo Đại mua lại làm tổng hành dinh của mình trong thời gian là Quốc trưởng Hoàng triều Cương thổ, tức vùng đất Tây Nguyên ngày nay (1949-1955).
Vua Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (1913-1997), vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn và phong kiến Việt Nam.
Công trình sau đó được đặt tên là Dinh Gia Long, xây kiên cố bằng gạch và đá, mái lợp ngói, gồm một tầng hầm, tầng trệt và tầng lầu. Toàn bộ dinh được sơn màu vàng đúng nét kiến trúc Pháp.
Phía sau tòa dinh thự là bãi đậu trực thăng nằm ở lưng đồi. Ở đây còn trưng bày chiếc trực thăng quân đội đa năng Bell UH-1 Iroquois do Mỹ sản xuất, được sử dụng phổ biến trong thập niên 1950-1960.
Chiếc trực trăng được trưng bày là của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm sử dụng mỗi khi ông bay từ Sài Gòn về Đà Lạt nghỉ dưỡng.
Dinh I nằm trên khu đất rộng 18 ha, rợp bóng cây xanh. Lối vào dinh dài gần 500 m, lát đá, hai bên đường là hàng cây tràm trăm tuổi. Sau thời gian tu sửa, công trình này được mở cửa từ năm 2015, giá vé một khách tham quan hiện là 40.000 đồng.
Tòa nhà có diện tích là 818 m2, gồm 12 phòng lớn nhỏ như phòng tiếp khách, nội các, phòng nghỉ của Quốc trưởng Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, gian thờ...
Ở phòng chính ngay lối vào tầng 1, Quốc trưởng Bảo Đại sắp xếp nơi tiếp khách và làm việc của các quan. Các phòng đều sử dụng tông màu chủ đạo là màu vàng và đỏ, thể hiện sức mạnh của hoàng gia.
Căn phòng quan trọng nhất nằm ở trên lầu của tòa nhà. Phòng Nội Các là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của Quốc trưởng Bảo Đại với các quan. Một tượng sáp được dựng mô phỏng chân dung vị vua cuối cùng của Việt Nam.
Ngoài phòng nghỉ ngơi chung của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, trong dinh còn có phòng riêng của từng người. Các phòng đều có nhiều cửa sổ, sàn lát gỗ, thiết kế lò sưởi...
Toàn bộ hệ thống cửa, thanh cầu thang, sàn nhà đều bằng gỗ nhập từ Thái Lan.
Riêng trong phòng làm việc của vua Bảo Đại còn có đường hầm thoát hiểm, được ngụy trang sau kệ đựng sách. Theo các nhà nghiên cứu, đường hầm dài hàng trăm mét, sâu dưới lòng đất 10 m, làm bằng bê tông, cốt thép kiên cố dẫn ra bãi đáp trực thăng sau tòa nhà.
Hiện, mật thất này chưa được phép tham quan.
Những vật dụng trước đây như đồng hồ, máy nghe nhạc đĩa than, kệ lò sưởi, giá sách, bàn ghế... đều được tu sửa và đặt lại nguyên vẹn như xưa.
Phía sau dinh là khu vườn rộng rãi với các công trình được Bảo Đại cho xây thêm như tòa nhà của ngự lâm quân, vườn ngự uyển trên đồi, khu hồ tắm, trạm nghỉ chân khi đi săn bắn ở thung lũng...
Khi cựu hoàng Bảo Đại sống lưu vong bên Pháp, Ngô Đình Diệm tiếp quản dinh này làm nơi nghỉ dưỡng. Sau năm 1975, nơi đây trở thành nhà khách của Trung ương rồi được giao cho một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.