Đêm chung kết Giải Sao Mai khu vực phía Nam tối 31-7 khép lại 3 vòng chung kết 3 khu vực của Giải Sao Mai 2011 với quá nhiều sự cố, từ cách thức tổ chức, dàn dựng chương trình, phát sóng… đến cách chọn bài cũ kỹ, nhàm chán của thí sinh… và đặc biệt thí sinh Sao Mai không “sáng” như những mùa trước.
Những đêm diễn “thảm họa”
Vụ lùm xùm đầu tiên của Giải Sao Mai 2011 chính là việc thí sinh Trương Thị Mai Hương “tố” ban nhạc chơi sai tông nhạc so với giọng hát của mình trong phần trình diễn ca khúc Hương ngọc lan tại vòng loại Sao Mai vào tối 10-7 diễn ra tại TPHCM.
Việc “tố” này, rất “ấn tượng”, ngay sau khi kết quả được công bố, thí sinh Trương Thị Mai Hương bất ngờ giật micro của MC và nghẹn ngào trình bày bức xúc của mình về ban nhạc. Một khán giả đã kịp thời dùng điện thoại ghi lại những bức xúc này của Mai Hương, sau đó đưa lên YouTube, gây nên một làn sóng phản đối bất lợi cho Giải Sao Mai 2011.
Sự nhàm chán của đêm chung kết khu vực phía Bắc, sau đó là chung kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã làm nhiều khán giả yêu nhạc Việt vơi bớt tình cảm của mình với Sao Mai 2011.
Bắt đầu từ 21 giờ, chương trình kéo dài lê thê đến gần nửa đêm khiến không ít người xem vừa nghe vừa ngủ gật. Các thí sinh, dù được đào tạo thanh nhạc bài bản, phần lớn đều có chất giọng tốt, vậy mà không ai bảo ai đều chọn những ca khúc cũ kỹ, nhàm tai khiến người nghe phát mệt và nỗi chán chường lên đến đỉnh điểm khi các MC cất giọng giao lưu với khán giả trong lúc chờ kết quả khi đồng hồ đã chỉ đến gần 24 giờ. Hai MC của đài địa phương trong đêm chung kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Đà Nẵng đã bị nhiều người coi là “thảm họa” của đêm diễn.
Thí sinh Nguyễn Khánh Ly lọt vào vòng chung kết toàn quốc Giải Sao Mai 2011 gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Thành Đạt
Tuy nhiên, có lẽ đêm chung kết Sao Mai khu vực phía Nam tối 31-7 tại Nhà hát Bến Thành - TPHCM mới đích thực là một đêm diễn “thảm họa”. Chương trình thay vì kết thúc vào 23 giờ 45 phút như dự kiến đã phải kéo dài tới 0 giờ 20 phút ngày 1-8 và trở thành một đêm diễn có độ dài kỷ lục khi thí sinh phải hát đi hát lại vài lần mới hoàn thành phần thi của mình.
Ban đầu là phần thi của Võ Nguyễn Thành Tâm, khi thí sinh này đang say sưa biểu diễn thì âm thanh tắt phụt. Đến khi Võ Nguyễn Thành Tâm hát lại, phần âm thanh vẫn có vấn đề và phải đến lần thứ ba, khán giả mới thở phào nhẹ nhõm khi Sapa thành phố trong sương được hoàn thành dù chất lượng chẳng khác giọng ca karaoke là mấy!
Sau Thành Tâm, thí sinh Bùi Ca Roon với phần trình diễn ca khúc Con cò cũng gặp sự cố tương tự khi âm thanh tắc tị! Ban tổ chức buộc phải dừng chương trình, MC nói gần nửa giờ, thí sinh này mới tiếp tục được hát. Chưa hết, trong đêm chung kết đầy sự cố này, ban nhạc cũng khiến nhiều thí sinh choáng váng vì đánh sai tông, cao thấp thất thường. Thí sinh vừa hát vừa đuổi theo nhạc hoặc gồng sức với những nốt lên cao chới với như trường hợp của Mai Hương.
Vòng chung kết toàn quốc Sao Mai 2011 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 14-8 tại TP Huế. Liệu có còn sự cố xảy ra như những đêm thi vừa qua? |
Nhiều khán giả bức xúc không thể ngờ một đêm diễn được truyền hình trực tiếp mà lại nhiều lỗi và ban tổ chức lại thiếu tôn trọng khán giả như vậy. Chính ông Lê Nguyên Long, Phó Giám đốc kênh VTV9, cũng thừa nhận sự cố của đêm 31-7 là “quá nghiêm trọng”.
Dấu hỏi cho chất lượng thí sinh
Bên cạnh những sự cố trong khâu tổ chức, thí sinh của mùa thi năm nay cũng trở thành vấn đề quan tâm của dư luận. Một nhạc sĩ thẳng thắn: Sự già nua, cũ kỹ trong tư duy chọn bài của các thí sinh đã khiến Sao Mai ngày càng giảm đi sự hấp dẫn. Nếu như chương trình có sự đồng hành của các nhạc sĩ trẻ trong việc giúp họ chọn bài, thể hiện phong cách thì thí sinh sẽ thoát khỏi tư duy như đang thi tốt nghiệp trong các trường nhạc.
Chọn thí sinh vào chung kết toàn quốc từ 3 cuộc thi khu vực, thông qua cách cho điểm của ban giám khảo cuộc thi cũng khiến nhiều khán giả và không ít người trong giới theo dõi cuộc thi phải ngỡ ngàng vì thí sinh tưởng trượt thì lại vào vòng trong, còn thí sinh đầy tiềm năng lại bị điểm thấp. Việc thí sinh kém thanh sắc hơn nhiều giọng ca khác là Nguyễn Khánh Ly được điểm cao nhất để lọt vào vòng chung kết toàn quốc ở dòng nhạc thính phòng đã khiến nhiều người ngạc nhiên, thậm chí gây choáng.
Kỹ thuật của Ly không cao và ai xem đêm chung kết phía Bắc đều thấy ca khúc Miền xa thẳm (Đức Trịnh) là một lựa chọn quá sức đối với Khánh Ly vì cô hát rất vất vả. Xét về kỹ thuật, Khánh Ly non hơn hẳn Nguyễn Huyền Hương, một thí sinh thông minh trong cách chọn bài, lại sở hữu chất giọng đẹp, hứa hẹn sẽ là một niềm hy vọng của Sao Mai năm nay.
Tương tự, việc Đỗ Thị Lam trở thành thí sinh đứng đầu dòng nhạc nhẹ khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng khiến không ít người băn khoăn, liệu sự lựa chọn ấy có chính xác? Đỗ Thị Lam hát Cỏ và mưa rất chênh vênh, đôi lúc khó nghe, trong khi thí sinh khác là Quỳnh Trang lại cho thấy kỹ thuật và cách xử lý ca khúc thông minh hơn hẳn. Dù Quỳnh Trang vẫn lọt vào chung kết toàn quốc nhưng việc được chọn bằng cách xét điểm từ cao xuống thấp trong khi hát hay hơn hẳn người được tuyển thẳng cũng khiến khán giả không hài lòng.