Ảnh: Shutterstock
Có hơn 5.000 loài động vật có vú sống trên hành tinh này. Tuy nhiên, chỉ có con người là loài duy nhất có bộ ngực có kích thước lớn, tồn tại trong suốt thời gian sống, theo IFLScience.
Có câu hỏi được đặt ra: Tại sao bộ ngực con người lại lớn đến thế, liệu đó có phải là một lỗi của tiến hóa không?
Mỗi động vật có vú khác chỉ phát triển ngực tạm thời trong quá trình rụng trứng hoặc cho con bú. Về cơ bản, mục đích của bộ ngực ở động vật là tạo sữa và cho con bú. Vì vậy, một khi đã hết sữa, vú động vật cũng biến mất.
Nhưng ở loài người lại khác, bộ ngực hình thành trong tuổi dậy thì, chứ không phải đến lúc mang thai mới hình thành, theo IFLScience.
Vào năm 1987, nhà sinh vật học Tim Caro đã khám phá 7 lý thuyết về chủ đề này. Trong đó, ông cho rằng bộ ngực ở người cho phép trẻ sơ sinh bú từ bên hông, giúp cho người mẹ linh hoạt hơn để làm được nhiều công việc khác.
Nhưng lý thuyết của ông vẫn không giải thích được lý do tại sao sau giai đoạn cho con bú, bộ ngực của người phụ nữ vẫn tồn tại.
Có lẽ ý tưởng phổ biến nhất lần đầu tiên được Charles Darwin đề xuất và sau đó được khám phá bởi nhà động vật học Desmond Morris trong cuốn sách có tên "The Naked Ape", xuất bản năm 1967.
Trong đó, Morris giả thiết rằng bộ ngực phát triển như là một biểu tượng tình dục thay thế cho mông phình to của các động vật linh trưởng giống cái khác trong quá trình rụng trứng, theo IFLScience.
Theo giả thiết này thì ngay khi người nguyên thủy bắt đầu đi theo tư thế thẳng đứng, nam giới không còn dễ nhận biết được khi nào thì một phụ nữ đã dậy thì và bộ ngực có thể đã hình thành như một câu trả lời cho câu hỏi này.
Lý thuyết này ít nhất sẽ giải thích tại sao bộ ngực của phụ nữ phát triển trong tuổi dậy thì nhưng nó vẫn không thể lý giải tại sao bộ ngực con người vẫn tồn tại sau khi mãn kinh.
Hãy xem xét kỹ hơn bộ ngực của người. Điểm khác biệt lớn nhất là chúng chứa nhiều chất béo hơn các động vật có vú khác. Chất béo lấp đầy các mô vú, tạo dáng cho nó như khi có sữa, nhưng tồn tại luôn mà không mất đi sau khi hết sữa như ở các loài động vật khác, theo IFLScience.
Bộ ngực người có thể quá lớn, khi đó, có thể gây đau lưng và tức ngực. Đây là lý do tại sao nhiều phụ nữ làm nhỏ bộ ngực của mình. Chỉ riêng tại Mỹ đã có hơn 61.000 người làm nhỏ ngực trong năm 2016.
Nhưng ngực không chỉ gây khó chịu đối với một số người, nó còn có thể gây ra cái chết cho người phụ nữ. Ung thư vú là nguyên nhân số một gây tử vong cho phụ nữ trên toàn thế giới. Nó ảnh hưởng đến khoảng 1,5 triệu phụ nữ mỗi năm và giết chết 570.000 người trong năm 2015, theo IFLScience.
Tuy nhiên, theo như các nhà khoa học, ung thư vú không phổ biến trong số các động vật linh trưởng khác. Điều này có thể là do nguy cơ ung thư tăng theo độ tuổi và các loài linh trưởng khác không sống đủ lâu để phát triển ung thư vú. Hoặc có lẽ nó có thể liên quan đến mô vú vĩnh viễn chỉ có ở người.
Ung thư xảy ra phổ biến hơn ở những mô có khả năng phân chia nhanh. Mô vú phân chia với tốc độ nhanh nên có nguy cơ lớn hơn để xảy ra ung thư. Điều đó có thể giải thích tại sao loại bỏ cả hai vú làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ đến 95%.