Tuy nhiên, không chỉ riêng cửa hàng Sembikiya bán những loại trái cây đắt tiền được trồng đặc biệt này. Trên khắp Nhật Bản, các sản phẩm như vậy thường được bán với giá hàng chục nghìn USD tại buổi đấu giá. Năm 2016, một cặp dưa lưới Hokkaido cao cấp được bán với mức giá kỷ lục 27.240 USD.
Cửa hàng trái cây cao cấp ở Nhật Bản
"Trái cây được nhìn nhận khác trong văn hóa châu Á, đặc biệt trong xã hội Nhật Bản. Việc mua và tiêu dùng trái cây gắn liền với các hoạt động xã hội và văn hóa", Soyeon Shim, Hiệu trưởng trường Sinh thái Nhân văn thuộc Đại học Winsconsin - Madison, Mỹ, trả lời CNN.
"Đây không chỉ là phần quan trọng trong chế độ ăn uống. Nhìn rộng hơn, có lẽ trái cây được xem là mặt hàng xa xỉ, giống một phép tắc quan trọng và trau chuốt trong văn hóa tặng quà phong phú của Nhật Bản", bà Shim cho biết.
Quá trình trồng trọt
Việc trồng trọt sản phẩm cao cấp thường phải sử dụng nhiều lao động, đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ do các nông dân Nhật Bản phát triển.
"Rất khó tạo ra hình dạng đúng cho quả dâu tây. Đôi khi chúng có thể thành hình cầu. Tôi mất 15 năm để đạt đến trình độ hoàn hảo này", Okuda Nichio nói về những quả dâu Bijin-hime (nghĩa là "công chúa xinh đẹp") đắt tiền mà ông đã dày công trồng.
Mỗi quả dâu Bijin-hime to bằng trái bóng tennis có giá khoảng 500.000 yen (4.395 USD)
Mỗi quả dâu tây của ông Nichio cần 45 ngày để phát triển tại trang trại Okuda ở tỉnh Gifu. Những quả lớn nhất có cỡ trái bóng tennis, chỉ ra 500 quả mỗi năm và thường bán với giá hơn 500.000 yen (4.395 USD) mỗi quả.
Những quả nho Ruby Roman cũng hiếm có như vậy. Mỗi năm chỉ có 2.400 chùm được sản xuất, phục vụ nhu cầu thị trường trái cây sang trọng ở Nhật Bản.
"Những quả nho lớn và màu đỏ trông giống viên ruby, phải trải qua quá trình chăm sóc cần mẫn mới đạt được đó", đại diện của Ruby Roman - Hirano Keisuke - cho biết.
Xuất hiện lần đầu năm 2008, hiện nay mỗi chùm nho có thể bán với giá hơn 100.000 yen (880 USD), nhưng mức giá có thể cao hơn nhiều. Tại vùng Tây Nam Nhật Bản năm ngoái, một siêu thị bỏ ra 1,1 triệu yen (9.700 USD) trong buổi đấu giá để sở hữu chùm nho thu hoạch đầu tiên với chỉ 30 quả nho. Mức giá này đã phá kỷ lục với 320 USD mỗi quả nho.
Món quà hoàn hảo
Người Nhật cho rằng trái cây mang giá trị tinh thần, thường dâng lên các vị thần hoặc để trên bàn thờ. Vì vậy, trái cây cao cấp được xem là một biểu tượng cho sự tôn trọng.
"Mọi người mua các loại trái cây đắt tiền để chứng tỏ với người nhận món quà của họ quan trọng như thế nào, dành cho những dịp đặc biệt hay những quan hệ xã hội quan trọng, chẳng hạn như tặng sếp", theo bà Shim - người đã nghiên cứu sâu sắc về thị trường trái cây xa xỉ Nhật Bản.
"Trái cây nghệ thuật cũng trở thành một phần trong quá trình nuôi dưỡng mối quan hệ đa dạng và tỉ mỉ ở Nhật Bản", Kevin Gehrt, giáo sư marketing tại Đại học San Jose State (bang California, Mỹ), cho biết.
Bất kể hình dạng và kích thước, trái cây cao cấp Nhật Bản luôn được gói cẩn thận
Ý tưởng lớn và tính đại diện gói gọn trong những hộp trái cây dù nhỏ nhất. Chẳng hạn những quả dâu hoàn hảo thường đặt trong các hộp giống như hộp đồ trang sức. Còn dưa lưới được gói riêng và bày trong các hộp gỗ trang trí hoa văn.
Đối với một số khách hàng, mức giá cao không phải yếu tố cản trở, mà đại diện cho uy tín và chất lượng đảm bảo. Dù không phải tất cả người Nhật mua trái cây đắt tiền làm quà tặng, nhiều người đánh giá cao hương vị tinh tế của nó.